Theo GS Phan Văn Trường khi toàn công ty cấu trúc lại các đội cũ và mới thường làm chồng chéo công việc của nhau.
Giáo sư Phan Văn Trường sinh năm 1946 tại Hải Dương. Ông là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp trao tặng Huy chương Hiệp Sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh năm 2007. Ông từng lãnh đạo tại các tập đoàn Alsthom Power, Alsthom Transport, Suez, Lyonnaise-BOT, Wah Seong.
Sau hơn 40 năm làm việc tại các tập đoàn quốc tế, ông cho ra đời cuốn sách Một đời quản trị ghi lại những gì tinh túy nhất sự nghiệp của mình. Một trong những điều ông chỉ ra trong cuốn sách là các căn bệnh thường gặp của các doanh nghiệp.
Một trong số đó là căn bệnh Làm việc của người khác. Theo GS Trường, ông thường gặp nhiều công ty thoái hóa theo năm theo tháng để rồi một ngày kia, nhân viên không những không làm việc theo vị trí và chức năng của mình, mà còn làm thay chức năng và vị trí của người khác. Chuyện này thường xảy ra khi một doanh nghiệp lớn tái cấu trúc lại, từ chiều ngang sang chiều dọc hay ngược lại.
Và khi có sự tái cấu trúc như vậy, các đội với nhiều chức năng được gửi vào trong một đơn vị với chức năng mới. Khi đó, không ai để ý rằng các thành viên trong đội cũ cứ thế tiếp tục làm việc cũ của mình như chưa bao giờ có tái cấu trúc.
Ví dụ, trong những năm ông làm việc trong những siêu tập đoàn, ông đã gặp rất nhiều đội “tự” làm kế toán. Khi toàn công ty cấu trúc lại, lãnh đạo đã quyết định giao trọn việc kế toán cho một đội mới. Nhưng các đội “tàn quân kế toàn” vẫn còn rục rịch hoạt động.
Điều buồn cười là thay vì dẹp từ từ những tàn quân, doanh nghiệp lại để cho căn bệnh “chồng chéo” tiếp tục mạnh hơn, bởi: một là vì không có gì tốt hơn chính trong đội tiếp tục nắm vững kế toán của mình; hai là vì đội thay thế việc kế toán chưa hiểu mô tê gì công việc mới, do đó không những họ không chủ động công việc mà còn toại nguyện với sự hỗ trợ đắc lực của tàn quân trong đội cũ.
Thế là đội cũ không nhả mồi, đội mới không muốn bắt mồi, rút cục cả doanh nghiệp không ai biết chuyện này, thấy mọi chuyện đều chạy đều nên không có lý do đặc biệt để quan tâm. Nhưng một ngày kia, chỉ cần một đồng nghiệp ốm bệnh, một người khác cùng đi vắng là chuyện có khả năng lộ diện, lúc đó công ty không còn giải pháp nào khác là điều chỉnh một cách mạnh bạo. Từ kế toán sang thiết kế hoặc nhân sự, câu chuyện cũng tương tự.
Trong những tập đoàn siêu lớn, chuyện “làm việc của người khác” lại càng phổ biến hơn nữa. Trong đó có việc PR. Mỗi khối lớn trong doanh nghiệp có một tờ nội san riêng, tờ nào cũng ca tụng công đức của ông sếp trực tiếp. GS Trường cho biết từng tiếp xúc một công ty có hơn một chục nội san. Vì doanh nghiệp làm việc trên 60 quốc gia nên mỗi đơn vị lẻ tại một quốc gia cảm thấy việc có nội san là cần thiết.
Tái cấu trúc doanh nghiệp không phải là điều dễ, bãi bỏ hoặc giải nhiệm các đơn vị làm việc song song trên cùng một chức năng rất khó, do tính “chính trị” của việc tái cấu trúc. Một bài học mà GS Phan Văn Trường đã trải nghiệm trong việc tái cấu trúc là những nhân viên chống đối ban lãnh đạo luôn luôn là quản lý cấp trung.
Những người này luôn chống đối sự thay đổi, vì chính những thay đổi này sẽ có khả năng làm họ mất một phần quyền thế. Thật ra lý do sâu sắc nhất khiến có nhiều đội làm việc của người khác mà không phải của mình là do chính các quản lý cấp trung tự coi mình là vua. Mà vua thì phải có nội các, tức có nhân sự, kế toán, PR, pháp lý bên cạnh, bất chấp việc toàn doanh nghiệp đã có những người chuyên môn để chuyên trách.