Hà Nam: Tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022

KIM DUNG 27/08/2022 06:48

Năm 2022, Hà Nam đặt mục tiêu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng 12 bậc so với năm 2021.

>>> Hà Nam: Linh hoạt, sáng tạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, cải thiện mạnh mẽ những thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp của Bộ chỉ số PCI để đạt mục tiêu đề ra.

Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị bàn các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 ngày 24/8/2022

Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị bàn các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 ngày 24/8/2022

Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam về các giải pháp tổ chức thực hiện để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.

- Ông có thể chia sẻ quyết tâm của chính quyền tỉnh Hà Nam trong việc cải thiện chỉ số PCI năm 2022?

Năm 2021, kết quả xếp hạng PCI tỉnh Hà Nam đạt 63,28 điểm (giảm 0,19 điểm so với năm 2020), xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố (giảm 12 bậc so với năm 2020) và nằm trong nhóm điều hành trung bình của cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, có 3 chỉ số tăng điểm và tăng thứ hạng so với năm 2020; 1 chỉ số giảm điểm, tăng thứ hạng; 1 chỉ số tăng điểm, giảm thứ hạng; 1 chỉ số giảm điểm nhưng vẫn giữ nguyên thứ hạng; 4 chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng.

So với năm 2020, chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng nhiều nhất là chỉ số “Tiếp cận đất đai” đạt 7,35 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành (tăng 0,88 điểm và tăng 21 bậc). Một số chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng sâu nhất là chỉ số “Gia nhập thị trường” đạt 6,73 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành (giảm 1,46 điểm, hạ 21 bậc); chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền” đạt 6,7 điểm xếp thứ 41/63 tỉnh, thành (giảm 0,38 điểm, hạ 32 bậc). Hầu hết các chỉ số còn lại dù đã có sự cải thiện về điểm số hoặc thứ hạng nhưng vẫn không đạt so với mục tiêu đề ra.

Nhiều chỉ số thành phần trong PCI của tỉnh Hà Nam năm 2021 chưa đạt mục tiêu đề ra là do: Công tác CCHC tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư có thời điểm còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, đa phần là kiêm nhiệm nên việc tư vấn, hỗ trợ các nhà đầu tư còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn chưa nhiều; tỉnh còn thiếu quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của các nhà đầu tư…

Vì vậy, tỉnh Hà Nam xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Hà Nam đã và đang tập trung thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh hơn, phù hợp với thị trường và xu thế hội nhập quốc tế. Tỉnh cũng đã tập trung thay đổi tư duy trong tổ chức xúc tiến đầu tư; nghiên cứu ban hành các cơ chế để thúc đẩy dòng vốn khu vực tư nhân vào tỉnh một cách tích cực.

>>Hà Nam: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung Khu Công nghệ cao Hà Nam vào Quy hoạch

Trên cơ sở kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chỉ số PCI năm 2021, trong năm 2022, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu: Tiếp tục duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp. Phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh tăng 12 bậc so với năm 2021.

- Được biết ngày 29/7 và 24/8/2022 vừa qua, UBND tỉnh Hà Nam bằng sự cầu thị, cũng như quyết tâm nâng cao chỉ số PCI năm 2022 đã mời Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tư vấn và đề xuất các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Hà Nam. Ông chia sẻ với nội dung này?

Đúng vậy, tại Hội nghị, Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn đã thông tin về đánh giá kết quả xếp hạng PCI của các địa phương trong cả nước năm 2021; phân tích các yếu tố tác động đến từng chỉ số thành phần trong chỉ số PCI, kinh nghiệm của các nhóm địa phương đứng đầu bảng xếp hạng; phân tích, đánh giá thứ hạng PCI của tỉnh Hà Nam năm 2021; trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp để giúp Hà Nam nâng cao chỉ số PCI trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Các đại biểu tham gia hội nghị ngày 24/8/2022 triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022

Các đại biểu tham gia hội nghị ngày 24/8/2022 triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022

Trong đó, các nhóm giải pháp được khuyến nghị như: Tích cực chủ động và sáng kiến để xây dựng phương án tổ chức thực thi các chương trình giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương năm 2022 và những năm tiếp theo, dựa trên các Nghị quyết của Chính phủ; Các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch, thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công – tư.

Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trực tuyến; hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải chi trả những “Chi phí không chính thức”; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện TTHC về cấp phép kinh doanh có điều kiện; tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra xây dựng, lao động và phòng cháy, chữa cháy; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, cải thiện chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động có trình độ, kỹ thuật cao; tăng cường hiệu quả thực thi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa….

Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày báo cáo đề xuất các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Hà Nam

Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày báo cáo đề xuất các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Hà Nam

Cần quan tâm các giải pháp tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp, đồng thời đầu tư công trình trọng điểm cho các huyện, nhất là về giao thông, khu, cụm công nghiệp; Nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp cho đội ngũ công chức, viên chức. Xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiên; chuyển tư duy từ “cho phép", “cấp phép” sang tư duy "phục vụ", chuyển mạnh từ "tháo gỡ khó khăn" sang "tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp;

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng rà soát, nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, ứng dụng CNTT để minh bạch hóa quy trình, thủ tục TTHC. Tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ; Xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp,…

- Để đạt được kết quả, vượt mục tiêu tỉnh đề ra, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo sở, ban, ngành, các cấp huyện, thị xã, thành phố thi đua cải thiện chỉ số, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp qua nhiều lĩnh vực, tạo sự hài lòng người dân, doanh nghiệp như thế nào thưa ông?

UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; bộ phận công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của địa phương, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Tích cực triển khai thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã tham gia hội nghị bàn các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022

Các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã tham gia hội nghị bàn các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022

Đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao hiệu quả phối hợp trong việc giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật....

Xây dựng đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai; thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo đúng quy định; đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với doanh nghiệp; hướng dẫn cho doanh nghiệp khi tham gia đánh giá chỉ số PCI phải nắm rõ nội dung được hỏi, phân công người có trách nhiệm, hiểu biết để trả lời đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan, trung thực.

Thường xuyên rà soát, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp, hủy bỏ các văn bản hết hiệu lực, cụ thể hóa thành các cơ chế chính sách của tỉnh để phát huy các tiềm năng lợi thế, tạo môi trường hấp dẫn, thúc đẩy thu hút đầu tư. Xử lý triệt để tình trạng chồng chéo, chấp hành nghiêm yêu cầu thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần trong năm đối với doanh nghiệp.

Hà Nam, quyết tâm tạo bứt phá về điểm số, thứ hạng, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh năm 2022. Cải thiện hình ảnh của Hà Nam về môi trường đầu tư, kinh doanh đối với cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, đưa Chỉ số PCI của tỉnh Hà Nam vào tốp 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước và tiếp tục duy trì thứ hạng này trong những năm tiếp theo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Kiên Giang “không giấu bệnh” để nâng cao chỉ số PCI

    Kiên Giang “không giấu bệnh” để nâng cao chỉ số PCI

    14:21, 23/08/2022

  • Thái Nguyên: PCI và DDCI giúp chính quyền năng động hơn

    Thái Nguyên: PCI và DDCI giúp chính quyền năng động hơn

    00:43, 18/08/2022

  • Hoà Bình quyết tâm nâng hạng PCI

    Hoà Bình quyết tâm nâng hạng PCI

    10:25, 29/07/2022

  • Bình Phước: Tháo gỡ điểm nghẽn, nâng cao Chỉ số PCI

    Bình Phước: Tháo gỡ điểm nghẽn, nâng cao Chỉ số PCI

    14:15, 15/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nam: Tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO