TP.Hà Nội vừa công văn hoả tốc số 2562/UBND-KT về việc siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 06/8/2021.
Công văn số 2562/UBND-KT ngày 07/8/2021 của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố; ngày 29/7/2021, UBND Thành phố đã có văn bản số 2434/UBND-KT quy định về mẫu Giấy đi đường và các giấy tờ cần thiết khác.
Cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt nhưng vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong thời gian vừa qua.
Theo đó, nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 06/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố đến 06h00 ngày 23/8/2021; siết chặt công tác cấp và sử dụng Giấy đi đường, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP. Hà Nội đề nghị:
Mẫu Giấy đi đường sẽ áp dụng theo mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7/2021 của UBND Thành phố. Người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, Thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương trên địa bàn Thành phố, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 và Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 06/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cam kết về việc đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gây lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; không lập kế hoạch hoạt động, phân công công tác; cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích.
Giao Công an Thành phố; UBND quận, huyện, thị xã siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát; chỉ đạo, hướng dẫn Công an, UBND xã, phường, thị trấn; các lực lượng Tổ tự quản, Tổ Covid cộng đồng tăng cường công tác kiểm tra Giấy đi đường tại các chốt kiểm soát đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo hướng: Kiểm soát, giám sát việc sử dụng Giấy đi đường có điểm đến trên địa bàn mình quản lý để phát hiện, nhắc nhở hoặc kiến nghị xử lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách. Các chốt kiểm tra, khi phát hiện các trường hợp sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, thông tin đến Công an xã, phường, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức cấp Giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.
UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn. Cụ thể, đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố: phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).
Các Khu, Cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các Chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.
Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Trên cơ sở danh sách do các Ban Quản lý chợ cung cấp, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng.
Các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động: phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.
Việc triển khai cấp hoặc xác nhận liên quan đến Giấy đi đường trong thời gian giãn cách, UBND các xã, phường thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, thông báo các tổ chức, cá nhân thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, UBND Thành phố cũng giao Sở Nội vụ có hình thức kiểm tra công vụ phù hợp trong thời gian giãn cách đối với của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021; Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 06/8/2021 và chỉ đạo của UBND Thành phố tại Văn bản này.
Sở Ngoại vụ phối hợp các cơ quan của Bộ Ngoại giao thông báo các Cơ quan đại diện ngoại giao, Tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố để biết và phối hợp thực hiện.
Hà Nội xử phạt 842 trường hợp vi phạm phòng chống dịch Công an TP Hà Nội cho biết, trong ngày 7/8, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 842 trường hợp vi phạm phòng chống dịch với số tiền 1.259.800.000 đồng. Trong đó, 27 trường hợp bị xử phạt về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền 41 triệu đồng; 4 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh bị xử phạt 21 triệu đồng; 811 trường hợp bị xử phạt gần 1,2 tỷ đồng với các hành vi vi phạm khác liên quan phòng, chống dịch COVID-19 (không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách...). Đáng chú ý, khoảng 16h ngày 6/8, tại chốt kiểm soát phòng dịch số 10 (nút giao đường Hồ Tùng Mậu – Dương Khuê, địa bàn phường Mai Dịch, Cầu Giấy), Tổ công tác phát hiện Ng.Q.T (SN 2002; trú tại Hồng Hà, Đan Phượng; làm nghề giao hàng tự do) đi xe mô tô tốc độ cao, có dấu hiệu vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, Ng.Q.T không chấp hành, điều khiển xe mô tô lao thẳng vào Thượng uý Nguyễn Duy Khánh (Cán bộ đội Cảnh sát GTTT, Công an quận Cầu Giấy) làm Thượng uý Khánh bị chấn thương vùng đầu, trật khớp xương quai xanh, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện 198. Công an quận Cầu Giấy đang điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật. Trước đó, khoảng 9h ngày 5/8, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, L.V.H (SN 1980, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) dùng gậy sắt, côn 2 khúc đe dọa, chửi bới, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ, phá hỏng hàng rào thép gai và một số đồ dùng tại chốt phòng, chống dịch bệnh. Lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng, bàn giao cho Công an huyện Ba Vì xử lý theo quy định của pháp luật. |
Có thể bạn quan tâm
05:00, 08/08/2021
13:36, 06/08/2021
04:50, 06/08/2021
04:00, 06/08/2021
17:48, 05/08/2021