Dù Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể đến năm 2030 nhưng tốc độ phát triển đã nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch không đi theo đúng lộ trình đã đề ra dẫn đến tình trạng "Hà Nội cứ mưa là ngập".
Số liệu từ Sở Quy hoạch Kiến trúc cho thấy, sau 20 năm, diện tích mặt nước ao hồ ở Hà Nội đã giảm gần 50%, từ hơn 2.000 ha xuống còn hơn 1.000 ha. Trong 5 năm gần đây, 17 ao hồ của Hà Nội đã bị san lấp hoàn toàn.
Một số hồ bị cạn là do nước bốc hơi nhưng một diện tích khác cũng bị "bốc hơi" vì bị người dân lấn chiếm. Bên cạnh đó, các sông thoát nước chính không được triển khai cải tạo triệt để và đúng kỹ thuật, các trạm bơm thoát nước chính với các hồ chứa chưa đảm bảo yêu cầu khi xảy ra mưa lớn đã là những hệ lụy cho quá trình quy hoạch thoát nước của Thủ đô.
Nếu theo dõi cách đây gần 10 năm, khi phê duyệt quy hoạch chung Hà Nội, Thủ tướng ra văn bản không được xây nhà cao tầng trong 4 quận nội đô nhưng Hà Nội lại ra văn bản được xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô và đã ra quy chế thực hiện. Đây cũng là bất cập trong quy hoạch.
Nhiều khu nhà cao tầng đang được xây dựng về mặt pháp lý là được xây dựng đề án, được chính quyền phê duyệt trong đó có hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường…) song trên thực tế, các công trình hạ tầng thường không đồng bộ hoặc không đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật.
Do vậy, nếu không xác định ngay bây giờ cao độ xây dựng của các khu đô thị khớp nối với nhau và xác định hướng thoát nước của thành phố mở rộng thì trong tương lai sẽ không thể sửa chữa được.
Thứ nhất, rà soát lại hệ thống ao hồ, sông suối, dòng chảy với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt (bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch đã được phân khu, quy hoạch chi tiết) để quản lý và cải tạo phát huy tác dụng. Không cấp phép cho xây dựng các khu đô thị, khu cụm công nghiệp khi dự án không làm rõ được hệ thống thoát nước (cả nước mưa và nước thải).
Thứ hai, nạo vét và xây dựng đúng kỹ thuật hệ thống thoát nước bao gồm các sông và dòng chảy ra sông Hồng, hệ thống hồ đập thủy lợi, hệ thống ao hồ có tác dụng lớn trong quá trình tiêu thoát nước cho thành phố.
Thứ ba, cần những chính sách mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa, ví như xã hội hóa cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình hạ tầng để đổi lấy một số quyền lợi nhất định để nhanh chóng có thêm các nguồn vốn đề đầu tư cho hệ thống thoát nước.
Thứ tư, Quy hoạch các vị trí, bố trí những không gian thích hợp, cần thiết để xây dựng các hồ điều hòa, đồng thời tăng cường năng lực các trạm bơm đầu mối. Ứng dụng các phần mềm mô phỏng về hệ thống thủy văn của đô thị, cho phép mô phỏng, theo dõi các số liệu về mực nước ở trong các cống, hồ điều hòa, ở các công trình đầu mối.
Hà Nội đang phải đứng trước rất nhiều thách thức mới, không chỉ mưa ngập mà đi cùng với nó sẽ là khô hạn, thiếu đường xá, cây xanh, không gian mặt nước... Như vậy, có nghĩa Hà Nội cần một tầm nhìn mới “tinh” hơn, chính xác hơn, thực tế hơn hay nói cách khác là Hà Nội cần có một bản quy hoạch mới chứ không thể chắp vá, dựa vào bản quy hoạch tổng thể cũ.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch đô thị bị phá nát như thế nào?
12:30, 26/03/2020
Hà Nội: “Bất lực” trong quy hoạch đô thị
14:24, 14/10/2019
Quy hoạch đô thị vệ tinh ì ạch... do thiếu nguồn lực
07:00, 10/07/2019
Thế giới đang quản lý quy hoạch đô thị như thế nào?
04:00, 07/06/2019
Quy hoạch đô thị "nham nhở" đè nén áp lực giao thông
11:00, 03/06/2019
Ai đã phá nát quy hoạch đô thị? Kỳ II: Xử lý nghiêm cơ quan quản lý
10:40, 01/06/2019