Quý I/2021 tại Hà Nội không có căn hộ mới được chào bán ra thị trường và chỉ có lượng thấp tầng mới được chào bán.
Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) vừa công bố Báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2021, trong đó đáng chú ý là thông tin theo ghi nhận từ các Chủ đầu tư, Sàn giao dịch bất động sản, Quý I/2021 tại Hà Nội không có căn hộ mới được chào bán ra thị trường. Lượng thấp tầng mới được chào bán cũng không nhiều.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARs thì Quý I/2021 tại Hà Nội ghi nhận không có sản phẩm đủ điều kiện bán hàng ra thị trường và phần lớn lượng sản phẩm này đã được chào bán từ Quý IV/2020, một phần chưa được chào bán ra thị trường thuộc phân khúc trung và cao cấp, tập trung các khu vực Tây, Nam Hà Nội, khu vực bờ Bắc sông Hồng.
Đối với phân khúc nhà thấp tầng, trong quý I/2021 theo VARs đã có sự xuất hiện một số sản phẩm mới tập chung chủ yếu ở Hoài Đức, Đông Anh và Gia Lâm. Bên cạnh đó, một số dự án trước đó đã đủ điều kiện tham gia thị trường cũng đang tiếp tục giới thiệu chào bán sản phẩm.
Phân khúc căn hộ có giá bán trên 35 triệu/m2 khó bán và đạt tỷ lệ hấp thụ rất thấp (khoảng 15,3% tổng cầu ghi nhận) và đặc biệt đã theo VARs ở phân khúc cao cấp, đã xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ của các nhà đầu tư, kể cả một số sản phẩm nằm ở các dự án chất lượng tốt.
Đối với phân khúc nhà ở tháp tầng hiện đang được neo ở mức giá rất cao, bình quân khoảng 10 tỷ đồng/căn. Do giá bán có xu hướng tăng mạnh nên lượng chào bán lại sản phẩm ở phân khúc này diễn ra khá sôi động, dao động trong khoảng 80 – 90 triệu đồng/m2, ước tăng khoảng 20% so với Quý IV/2020.
Nhận định về thị trường BĐS Hà Nội quý I/2021, VARs cũng chỉ ra một nghịch lý là dù các dự án nhà ở có phần đìu hiu thì lại đang có hiện tượng sốt nóng ở một số khu vực bên ngoài dự án.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng đang có hiện tượng sôi động, nhộn nhịp tại một số khu vực như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Khi có thông tin chuẩn bị công bố quy hoạch đô thị ven sông Hồng. Giá đất trong dân tại các khu vực vùng ven hiện bị đẩy lên khoảng 50 – 60% so với Quý IV/2020, có những nơi tăng 100%. Hiện nay, giá đất tại các vùng ven đô, chuẩn bị lên Quận đang ở ngưỡng 30 – 50 triệu/m2. Mặt khác, giá đất trong dân tại các Quận nội thành lại gần như không có biến động.
Trước thực trạng lệch pha thị trường, sốt nóng giá đất, đặc biệt là đất nền hiện nay VARs đã đưa ra một số kiến nghị như chính quyền các địa phương phải cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,… đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật và cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở trái quy định của pháp luật để dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo.
Bên cạnh đó, theo ông Đính cũng cần xem xét phương án quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn đồng thời với việc liên tục cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Đặc biệt, theo kiến nghị của VARs thì giải pháp căn cơ lâu dài hiện nay là nhà nước cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Đồng thời, quản lý Sàn giao dịch và môi giới BĐS được chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh phê duyệt phát triển dự án tạo nguồn cung cho thị trường cũng cần được chú trọng.
Có thể bạn quan tâm
Đánh thuế đất hàng năm để trị “sốt đất”
20:12, 14/04/2021
NÓNG: Bộ TN&MT đề ra 5 giải pháp kiểm soát sốt đất
14:40, 13/04/2021
Chơi vơi vai trò địa phương trong việc kiểm soát sốt đất
18:27, 11/04/2021
Công khai quy hoạch triệt để để ngăn chặn sốt đất
05:10, 11/04/2021
Sốt đất khắp nơi: Thị trường địa ốc có lặp lại lịch sử cách đây 10 năm?
15:00, 06/04/2021