Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hình thành những trục giao thông kết nối các cụm, khu vực phát triển kinh tế, tạo điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh.
Đó là chia sẻ của ông Bùi Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, trong quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hệ thống giao thông vận tải Quảng Ninh sẽ phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại với định hướng “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”, vậy ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Đây chính là cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông hợp lý và thống nhất trong toàn tỉnh, có quy mô phù hợp với từng địa phương, từng vùng, hình thành những trục giao thông kết nối các cụm, khu vực phát triển kinh tế, tạo điều kiện khai thác các tiềm năng hiện có của tỉnh. Hệ thống hạ tầng GTVT đảm bảo phù hợp với sự phát triển hiện nay và trong tương lai, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, khi Vân Đồn được lựa chọn xây dựng là một trong 3 đặc khu của cả nước.
Có thể bạn quan tâm
11:02, 19/05/2018
08:52, 17/05/2018
16:42, 14/05/2018
01:48, 04/05/2018
Hiện nay, Quảng Ninh đang tích cực xây dựng mới, nâng cấp hàng loạt công trình giao thông trọng điểm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, giải quyết điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Quảng Ninh.
Quy hoạch giao thông đường bộ, đến năm 2020 sẽ có 2 tuyến cao tốc dài 176km (gồm: cao tốc Hải Phòng – Hạ Long dài 25,2km; cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái dài 151km). Sau năm 2020 sẽ tiếp tục triển khai cao tốc Nội bài – Hạ Long dài 66,8km. 8 tuyến quốc lộ dài 557,8km và 1 tuyến QL.279B trên cơ sở nâng cấp ĐT.330 kết nối sang Bắc Giang cũng sẽ được hình thành. Đường tỉnh có 14 tuyến, dài 305,4km.
Đường sắt quốc gia cũng sẽ được hoàn thành tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân (đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ninh dài 66,8km). Đường sắt đô thị giai đoạn 2020 – 2030 nghiên cứu dự án xây dựng 2 tuyến Monorail theo Quy hoạch xây dựng vùng đã được Bộ Xây dựng thẩm định và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/7/2014.
Về đường thủy, cảng Quảng Ninh sẽ là cảng tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực, gồm 4 khu bến, 6 bến cảng, 3 khu neo đậu, chuyển tải.
Hiện nay, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm của Quảng Ninh đã được triển khai đảm bảo tiến độ với quy hoạch được phê duyệt…
- Để sẵn sàng cho sự hình thành đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị như thế nào đối với hạ tầng giao thông của tỉnh, thưa ông?
Từ Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư năm 2012, cơ sở hạ tầng giao thông Quảng Ninh rất được chú trọng đầu tư, nhiều công trình trọng điểm đã được triển khai, phát triển giao thông theo đúng quy hoạch và tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Quảng Ninh, Khu kinh tế Vân Đồn và thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung các nguồn lực để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông vận tải. Cụ thể, với tổng vốn đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng, Quảng Ninh đang tập trung cho các dự án như: Tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái với tổng chiều dài 176km, quy mô đường cao tốc 04 làn xe, vận tốc thiế kế 100km/h. Các dự án cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cải tạo nâng cấp QL.18 đoạn Hạ Long – Mông Dương, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ...
Hay, dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả với chiều dài 27km, tổng vốn đầu tư khoảng 6.750 tỷ đồng theo hình thức PPP đang phấn đầu để khởi công trong quý III/2018.
Để đồng bộ hóa hạ tầng giao thông và chuẩn bị cho sự hình thành đặc khu kinh tế, phải kể đến Dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. Đây là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Quy mô đầu tư đến năm 2020 của Cảng hàng không này sẽ đạt công suất 2,5 triệu hành khách/năm và 10.000 tấn hàng hóa/năm. Đến nay công tác thi công xây dựng toàn bộ khu bay đã hoàn thành và sẽ bay hiệu chỉnh kỹ thuật vào ngày 08/7/2018 và đang triển khai để hoàn thiện phấn đấu đưa vào khai thác trong quý IV/2018.
- Theo ông, triển khai rất nhiều các dự án, vậy thực tế đã phát sinh những vướng mắc gì?
Là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai đầu tư đường cao tốc và Cảng hàng không, đặc biệt hơn nữa là việc triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Do vậy, trong quá trình triển khai các dự án giao thông, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Trước tiên phải nói đến kinh phí đầu tư lớn nên rất cần có các giải pháp để huy động các nguồn lực tham gia đầu tư. Ngoài ra, các công trình có tính chất kỹ thuật đặc biệt phức tạp như Cầu Bạch Đằng. Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt: cầu dây văng 4 nhịp bị khống chế bởi chiều cao thông thuyền và chiều cao phếu bay của Cảng hàng không Cát Bi và Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, nên có nhiều tính chất đặc thù và yêu cầu tiêu chuẩn độ an toàn cấp quốc tế. Trong khi đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư cũng là một lĩnh vực đầu tư mới với quy định pháp lý chưa đầy đủ. Hay, cơ chế giao đất cho Cảng hàng không cũng là những khó khăn phải tháo gỡ trong quá trình triển khai.
Trước những khó khăn, vướng mắc đó, Tỉnh cũng đã quyết liệt nghiên cứu để tìm ra các thế mạnh, lợi thế đồng thời cũng sử dụng nguồn lực của tỉnh để thực hiện công tác GPMB những dự án trọng điểm nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn chủ động xin ý kiến các cơ quan Trung ương để nghiên cứu triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhằm đảm bảo tiến độ của các dự án.
- Xin cảm ơn ông.