Từng được kì vọng làm thay đổi diện mạo địa phương khi dự án được chấp thuận đầu tư nhưng sau 3 năm người dân Hà Tĩnh mòn mỏi chờ tiền đền bù trong khi dự án điện mặt trời vẫn nằm trên giấy.
Năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty GA Power Solar Park (CHLB Đức) thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Park Hương Sơn, đặt tại xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn), công suất 29 MWp, tổng mức đầu tư 23,3 triệu USD.
Mục tiêu của dự án nhằm sản xuất điện năng lượng mặt trời để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đa dạng hóa nguồn cấp điện trên địa bàn, từng bước hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2035. Dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của tỉnh Hà Tĩnh nói chung và các địa phương có dự án nói riêng.
Để thực hiện dự án, xã Quang Diệm đã nhanh chóng thu hồi 32ha đất sản xuất nông nghiệp của 226 hộ dân thuộc 2 thôn Hà Sơn và Bảo Trung. Sau khi phê duyệt phương án bồi thường, UBND huyện Hương Sơn giao hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng đề nghị Công ty GA Power Solar Park chuyển kinh phí đền bù, với số tiền hơn 31 tỉ đồng để chi trả cho người dân.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án phải hoàn thành và đưa vào hoạt động sau 12 tháng kể từ ngày ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Thời gian hoạt động dự án 35 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, sau 3 năm dự án có tổng mức đầu tư hàng chục triệu USD này vẫn đang nằm trên giấy, trong khi người dân mòn mỏi chờ tiền đền bù.
Trưởng thôn Hà Sơn, ông Cao Xuân Trường cho biết: “Thôn Hà Sơn có khoảng 120 hộ dân có diện tích đất sản xuất nằm trong diện thu hồi. Năm 2019, sau khi có chủ trương thu hồi đất, chính quyền thông báo người dân không sản xuất để nhường đất thực hiện dự án. Người dân nghiêm túc chấp hành dừng sản xuất vụ đông xuân năm 2019 nhưng mãi không thấy dự án được triển khai. Sau đó, không hiểu sao chính quyền lại ra thông báo tiếp tục quay lại sản xuất”.
Theo ông Trường, phần diện tích đất bị thu hồi chủ yếu là đất trồng lạc, ngô, đậu của người dân. Theo giá đền bù tỉnh quy định, bình quân mỗi sào đất sản xuất được chi trả khoảng 52 triệu đồng. “Không biết dự án có tiếp tục triển khai hay không nên một số hộ sản xuất cầm chừng, còn một số lại bỏ hoang để chờ tiền đền bù. Nguyện vọng của người dân là chính quyền sớm trả lời về việc dự án có tiếp tục triển khai hay không. Nếu tiếp tục triển khai thì cần sớm chi trả tiền đền bù đất, còn dừng dự án thì phải bồi thường vụ đông xuân năm 2019 cho người dân”, ông Trường cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Trọng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Diệm xác nhận hiện người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ dự án nhà máy điện mặt trời. “Do thời điểm đó chủ đầu tư chưa xin đấu nối được với lưới điện quốc gia, nên chưa thể triển khai thi công dự án. Người dân cũng nhiều lần ý kiến về vấn đề này nhưng địa phương cũng không biết dự án khi nào sẽ được triển khai”, ông Tuyên cho biết.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Sơn, nguyên nhân khiến dự án chậm triển khai là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. “Do chủ đầu tư dự án là người nước ngoài nên họ chưa thể triển khai trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Dự kiến chủ đầu tư sẽ tiến hành đền bù trong tháng 9 này. Số tiền đền bù khoảng 31 tỷ đồng”, ông Giang nói.
Được biết, ngoài dự án Nhà máy điện mặt trời Solarpark Hương Sơn, cùng thời điểm công ty GA Power PTE.LTD còn được tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận Dự án Nhà máy điện mặt trời Solarpark Cẩm Xuyên đặt tại xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) công suất 29 MWp, tổng mức đầu tư 23,3 triệu USD. Tuy nhiên, hiện dự án này hiện vẫn chưa được triển khai theo cam kết của chủ đầu tư.
Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin
Có thể bạn quan tâm