Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 811 tỷ đồng tiền nợ cấp quyền khai thác khoáng sản chưa thể thu hồi, trong đó 747 tỷ đồng là tiền cấp quyền nhưng chủ yếu các mỏ không còn hoạt động.
Thời gian qua, nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh đã dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục đóng cửa mỏ. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy về cảnh quan, môi trường mà còn khiến việc truy thu nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gặp nhiều khó khăn.
Mỏ đá Cơn Tria của công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Hà Tĩnh tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, được cấp quyền khai thác từ năm 2012 trên diện tích 10ha. Tuy nhiên, mỏ đá chỉ hoạt động đến hết năm 2015, sau đó hoạt động cầm chừng và 3 năm nay đóng cửa. Hiện công ty này đang nợ khoảng 20 tỷ đồng tiền thuế cấp quyền khai thác và hơn 4 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế cấp quyền.
Mới đây, Thanh tra Sở TN&MT Hà Tĩnh đã tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Xây lắp và Khai thác VLXD Thanh Nam – chi nhánh Hà Tĩnh, trong thời hạn 4 tháng 15 ngày. Nguyên nhân là do công ty này đang nợ gần 28 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở mỏ đá Khe Rò.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 1589/GP-UBND ngày 5/6/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, công ty này (trụ sở chính ở thôn Liên Giang, phường Kỳ Long - TX Kỳ Anh) được cấp quyền khai thác khoáng sản ở mỏ đá Khe Rò (phường Kỳ Long, TX Kỳ Anh) tới năm 2026. Tuy nhiên, từ năm 2015 tới nay, doanh nghiệp này đã không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo nghĩa vụ.
Hiện trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có gần 60 doanh nghiệp đang nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với số tiền trên 130 tỷ đồng. Hầu hết mỏ khoáng sản của các công ty này đều đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng khiến việc truy thu thuế gặp nhiều khó khăn. Đây được xem là khoản nợ “xấu” của doanh nghiệp và cũng là khoản nợ khó đòi khiến ngành thuế hết sức đau đầu.
Ông Trịnh Duy Phú, Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực Kỳ Anh cho biết: “Công tác quản lý thu hồi nợ đối với những trường hợp này khá khó khăn bởi những mỏ này không hoạt động dẫn đến doanh nghiệp khó khăn về mặt tài chính. Ngành đã triển khai nhiều biện pháp thu hồi nợ đối với những trường hợp này tuy nhiên tính khả thi không cao. Không thu hồi được, đồng nghĩa hằng năm doanh nghiệp phải chịu thêm khoản chậm nộp theo quy định”.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 830 tỷ đồng tiền cấp quyền khoáng sản cần được thu hồi, nhưng hiện mới chỉ thu được 18,9 tỷ đồng. Số còn nợ đọng là 811 tỷ đồng, trong đó 747 tỷ đồng là tiền cấp quyền nhưng chủ yếu các mỏ không còn hoạt động. Đáng chú ý nhất là khoản nợ thuế của công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê với số tiền hơn 400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Thường, Trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế - Cục thuế Hà Tĩnh cho biết: “Dịch COVID-19 ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là nguyên nhân đẩy tình trạng nợ thuế tăng cao. Trước tình hình này, ngành đang quyết liệt triển khai các giải pháp để truy thu nợ đọng. Hiện chúng tôi đang rà soát lại, đối với những đơn vị không còn khả năng nộp nợ thuế và có lý do khách quan thì cần được xem xét thấu đáo để khoanh nợ, không làm phát sinh tiền nộp chậm”.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin
Có thể bạn quan tâm