Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Hà Tĩnh đang triển khai lộ trình số hóa trong sản xuất và tiêu thụ bưởi Phúc Trạch nhằm minh bạch thông tin, quy trình sản xuất, kết nối với thị trường tiêu thụ thông qua sàn thương mại điện tử.
Số hóa bưởi Phúc Trạch
Bưởi Phúc Trạch được mệnh danh là “đệ nhất quả” của người dân Hà Tĩnh. Từ năm 2010, bưởi Phúc Trạch được xác định là một trong 15 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thế nhưng, lâu nay việc sản xuất kinh doanh vẫn được thực hiện theo quy trình truyền thống. Người sản xuất đang gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển hóa thương hiệu, áp dụng công nghệ vào sản xuất để tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn theo thị trường. Nhiều cơ sở không kết nối được đầu mối, hoặc đầu mối tiêu thụ không ổn định, dẫn đến giá cả bấp bênh. Bên cạnh đó, người mua cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu.
Có thể nhận thấy, nhiều năm qua diện tích cây bưởi Phúc Trạch trên địa bàn huyện Hương Khê ngày càng tăng lên đáng kể. Theo báo cáo của huyện Hương Khê, diện tích sản xuất bưởi Phúc Trạch tại 19 xã chỉ dẫn địa lý là 2.593ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.777ha. Năng suất bình quân năm 2021 dự kiến là 10,76 tấn/ha, sản lượng đạt 21.766 tấn. Diện tích bưởi Phúc Trạch được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 1.206ha.
Để khắc phục những hạn chế đồng thời giúp bưởi Phúc Trạch vươn xa hơn, ngành chức năng Hà Tĩnh đang triển khai lộ trình số hóa trong sản xuất kinh doanh bưởi Phúc Trạch. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên được Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi số để làm nền tảng phát triển kinh tế số kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với quy trình này, người dân không những cắt giảm được nguồn chi phí sản xuất mà còn được kết nối trực tiếp với khách hàng, mở rộng quảng bá sản phẩm thông qua thiết bị thông minh.
Mục tiêu trong chuyển đổi số là hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc giúp công khai, minh bạch thông tin, đồng thời hoàn thiện quy trình sản xuất bưởi Phúc Trạch, đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường. Việc này nhằm hướng đến thị trường mở rộng, kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, qua ứng dụng và web.
Chắp cánh cho nông sản “bay xa”
Xã Hương Trạch, huyện Hương Khê hiện có 438ha trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó 318ha đã cho thu hoạch. Ngay sau khi có chủ trương chuyển đổi số, địa phương này đã nhanh chóng thu thập dữ liệu sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Ông Cao Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho hay: “Sau khi có chủ trương, xã đã thành lập tổ chỉ đạo tiến hành tập huấn, chuyển giao công nghệ, rà soát các hộ trồng bưởi trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn cài đặt các phần mềm liên quan dự kiến đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch lên sàn điện tử trong tháng 8 này”.
HTX sản xuất kinh doanh bưởi Phúc Trạch Nhật Hằng là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia chuyển đổi số. Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX phấn khởi: “Lâu nay chúng tôi thực hiện sản xuất bưởi theo quy trình VietGap nhưng vẫn khó tiêu thụ bởi người tiêu dùng chưa biết đến giá trị thực của sản phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bán lẻ truyền thống gặp nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử sẽ tạo thêm nhiều kênh tiếp cận với người tiêu dùng. Đây cũng là một cách chủ động đầu ra bền vững, hạn chế việc quá phụ thuộc vào kênh tiêu thụ truyền thống”.
Việc tham gia chuyển đổi số, kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua sàn giao dịch điện tử là cách tốt nhất để loại bỏ khâu trung gian, giúp nông sản ổn định về giá, không bị thương lái thao túng. Vì thế, trong tương lai, việc chuyển đổi số là tất yếu để các sản phẩm có thêm nhiều cơ hội “bay xa” hơn nữa tuy nhiên việc thực hiện cần phải có lộ trình lâu dài.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho biết: “Việc phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu để đưa sản phẩm ra thị trường. Sự thành công chuyển đổi số trên sản phẩm bưởi Phúc Trạch sẽ là tiền đề cho việc thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm tiếp theo, giúp các HTX, THT, cơ sở, cá nhân minh bạch thông tin sản phẩm, truy xuất nguồn gốc làm cơ sở hướng tới kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện thành công cây bưởi Phúc Trạch phấn đấu vận hành hệ thống trước vụ mùa mới năm nay”.
Có thể bạn quan tâm