Các Sở, ngành Hà Tĩnh đang hoàn tất hồ sơ “tìm chủ” cho hơn 110.000 m3 đất thải đủ điều kiện làm gạch, ngói từ công trình cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu Bắc Thạch Hà (Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu Bắc Thạch Hà do cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 459.337 triệu đồng (trong đó xây lắp 291.697 triệu đồng). Dự án gồm 2 hợp phần là cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh tiêu thoát và chống xói lở; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực. Địa bàn thực hiện gồm các xã: Thạch Long, Thạch Thanh, Thạch Tiến, Thạch Ngọc, Phù Việt, Việt Xuyên.
Dự kiến đến cuối năm 2021 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo an toàn cho trên 4.100 ha đất canh tác, hơn 36.000 nhân khẩu và hệ thống cơ sở hạ tầng cho 6 xã hưởng lợi. Ngoài ra, công trình còn góp phần điều tiết lũ cho vùng hạ lưu, cắt nguồn lũ đổ về gây ngập úng cho thành phố Hà Tĩnh...
Sau hơn 1 năm triển khai thi công, công trình cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã hoàn thành trên 85% khối lượng. Theo đó, đất thải từ quá trình nạo vét lòng kênh được vận chuyển về tập kết tại các bãi thải theo quy định.
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Hà Tĩnh, tại tuyến nhánh số 1 của dự án thuộc địa phận xã Thạch Ngọc, Việt Tiến) có hơn 110.000 m3 đất sét đủ điều kiện làm gạch, ngói được tập kết về bãi thải. Trong đó, đất tập kết các bãi thải xã Thạch Ngọc, từ cầu Đất đến đập Mươi có 50.000 m3, bãi thải cầu Muỗi 10.000 m3, bãi thải cầu Min 20.000 m3; tại bãi thải khu vực cầu Trùa, xã Việt Tiến 30.000 m3.
Tuy nhiên việc quản lý lượng chất thải này đang còn nhiều bất cập, lượng chất thải lớn được đổ nhiều nơi khiến cho công tác quản lý an ninh trật tự, môi trường trên địa bàn tiềm ẩn những khó khăn, hệ lụy. Một số doanh nghiệp lợi dụng đem đi bán, sử dụng khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Thạch Hà đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá số lượng đất sét trên.
Theo một lãnh đạo huyện Thạch Hà thì khối lượng đất sét này trị giá khoảng 15 tỷ đồng. Huyện đã làm tờ trình xin đấu giá, tuy nhiên phải xác định được số đất thải này là tài sản, khoáng sản hay tài nguyên mới làm hồ sơ, thủ tục để xử lý được.
Hiện nay, tại các bãi thải đã quá tải trong khi khối lượng đất được đào, nạo vét lên chưa có bãi đổ đang còn khá lớn. Việc xử lý khối lượng chất thải này muộn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, gây nguy cơ vùi lấp, sạt lở mái kênh.
Được biết, hiện Sở TN&MT, Sở Tài chính và địa phương đã kiểm tra, xác định khối lượng đất thải này là tài sản. Sở Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục đấu giá theo quy định.
Có thể bạn quan tâm