Hà Tĩnh: Nghịch lý nhà máy nước sạch 7 tỷ đồng chỉ để… tưới cây

TÂM ĐAN 04/08/2021 11:47

Được đầu tư hơn 7 tỷ đồng nhưng nhà máy nước sạch phục vụ hơn 130 hộ dân khu tái định cư xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) chỉ dùng để tưới cây vì người dân cho rằng nguồn nước đục ngầu, hôi tanh…

Nước sạch để tưới rau, giặt giũ

Thực hiện chủ trương di dời đến nơi ở mới để nhường đất phục vụ dự án trọng điểm, đa mục tiêu xây dựng hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, từ tháng 8/2013, hơn 130 hộ dân xã Hương Điền (nay là xã Thọ Điền) đã chuyển đến khu tái định cư (TĐC) Khe Ná – Khe Gỗ. Tuy nhiên, do nguồn nước từ giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng nên người dân thường xuyên phải sống cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt.

Nhà máy nước sạch phục vụ khu tái định cư xã Thọ Điền có nguồn vốn hơn 7 tỷ đồng

Nhà máy nước sạch phục vụ khu tái định cư xã Thọ Điền được đầu tư hơn 7 tỷ đồng

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, Ban chuyên trách bồi thường, hỗ trợ TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đã đầu tư xây dựng Công trình nước sạch xã Thọ Điền. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng, công suất phục vụ 8m3/h, được thực hiện theo chủ trương của Nhà nước về xây dựng nhà máy nước sinh hoạt cho khu TĐC. Tháng 12/2017, các đơn vị liên quan đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình cho UBND xã Hương Điền cũ đưa vào sử dụng, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương.

Thế nhưng, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì nguồn nước sạch bỗng dưng biến thành… nước bẩn. Theo phản ánh của người dân, nguồn nước từ nhà máy nước sạch xả ra đục ngầu, có mùi hôi tanh, nước cung cấp ngày có ngày không. Trước thực trạng này, người dân chuyển sang dùng nước giếng khoan hoặc lấy nước từ các dòng suối để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Nước từ nhà máy chỉ dùng để tưới cây và giặt giũ.

Chị P.T.K. một người dân sống ở khu tái định cư xã Thọ Điền phản ánh: “Gia đình có kéo nguồn nước máy về nhưng khi sử dụng thì thấy màu vàng đục và mùi hôi tanh rất khó chịu nên chỉ sử dụng nước máy để tưới cây, giặt giũ, còn nước sinh hoạt thì dùng giếng khoan”.

Lo nguồn nước từ nhà máy không đảm bảo chất lượng, người dân chỉ sử dụng nước máy để tưới cây, giặt giũ

Lo nguồn nước từ nhà máy không đảm bảo chất lượng, người dân chỉ sử dụng nước máy để tưới cây, giặt giũ

Theo chị K. hầu hết người dân vùng này đều không sử dụng nước máy để sinh hoạt, một số gia đình góp tiền khoan chung một giếng để sử dụng hoặc kéo nước suối từ đầu nguồn về.

Ngành chức năng loay hoay, người dân chịu thiệt

Tìm hiểu thực tế tại nhà máy nước sinh hoạt xã Thọ Điền có thể thấy công trình được đầu tư khá bài bản nhưng đã có những dấu hiệu xuống cấp. Phía bên trong nhà máy đang hoạt động, một phần hệ thống lọc bị gỉ, một số bộ phận rò rỉ nước…

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết: “Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, người dân đã nhiều lần phản ánh về chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Chủ đầu tư và nhà thầu đã cử cán bộ về trực tiếp để tiến hành kiểm tra, khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động ổn định. Hầu hết người dân khu tái định cư vẫn đang sử dụng nguồn nước khoan và nước suối để sinh hoạt”.

Không có nhân viên vận hành, nhà máy được giao cho một người địa phương chưa được đào tạo để quản lý, vận hành

Không có nhân viên kỹ thuật vận hành, nhà máy được giao cho một người địa phương chưa được đào tạo để quản lý, vận hành

Không chỉ nguồn nước không đảm bảo, việc vận hành nhà máy cũng đang gặp phải những trắc trở. “Do không có người được đào tạo về chuyên môn nên việc vận hành nhà máy nước được giao cho một người dân địa phương. Người này chỉ được đơn vị thi công hướng dẫn sơ qua về cách vận hành, chưa có kinh nghiệm nên việc sử dụng công trình không được đảm bảo”, ông Minh cho hay

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Ban bồi thường, hỗ trợ, TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang từng trả lời về nguyên nhân khiến công trình chưa thể sử dụng ổn định là do nguồn nước vào nhà máy được lấy từ tầng đáy của đập.

Đáng lẽ nước vào hệ thống phải lấy từ tầng trung nhưng đập nước bị cạn nên cũng phải mở van lấy nước ở tầng đáy. Trong khi, những đập nước này ban đầu thiết kế chỉ để phục vụ thủy lợi nên khi triển khai có một lớp thực bì bị ngập nước nên dẫn tới chất lượng nước ở tầng đáy không đảm bảo. Chúng tôi đã tính đến phương án đục thân đập để lấy nước tầng nhưng vìệc làm này liên quan đến an toàn công trình thủy lợi, phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá cho phép nên rất khó khả thi…”, vị đại diện này giải thích.

Còn ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho rằng: “Những tồn tại của nhà máy hiện nay rất khó để khắc phục, không chỉ huyện, xã vào cuộc mà sự cần sự chung tay của các cơ quan cấp trên để cùng tháo gỡ khó khăn”. 

Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Tĩnh: Đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử

    Hà Tĩnh: Đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử

    04:14, 02/08/2021

  • Bộ Khoa học và Công nghệ trao nhà tình nghĩa tại Quảng Bình, Quảng Trị

    Bộ Khoa học và Công nghệ trao nhà tình nghĩa tại Quảng Bình, Quảng Trị

    10:20, 27/07/2021

  • Hà Tĩnh tăng cường kiểm soát chặt người từ vùng dịch về

    Hà Tĩnh tăng cường kiểm soát chặt người từ vùng dịch về

    09:10, 24/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Tĩnh: Nghịch lý nhà máy nước sạch 7 tỷ đồng chỉ để… tưới cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO