Tái cơ cấu, đầu tư mạnh làm trẻ hóa đội tàu vận tải để đón đầu xu thế giá cước vận tải tăng mạnh do đại dịch COVID-19 đã giúp Công ty CP Vận tải Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) trở lại đường đua.
Tuy nhiên, HAH cũng đang đối mặt với với không ít thách thức khi giá dầu thô đang có xu hướng tăng mạnh và áp lực cạnh tranh ngày một lớn.
Tuy hoạt động đa ngành nhưng nhiều năm qua, tình hình kinh doanh của HAH vẫn khó khăn. Nhưng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến giá cước vận tải tăng mạnh, giúp HAH trở lại đường đua.
HAH vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu hơn 449 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế tăng 2,3 lần so với cùng kỳ lên hơn 82 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng 2021, HAH đạt 808 tỷ doanh thu, tăng 49% và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ năm 2020. Giải trình về tình hình kinh doanh trong quý 2, Ban Lãnh đạo Công ty cho biết, sản lượng của đội tàu tăng cộng thêm giá cho thuê tàu tăng đã thúc đẩy lợi nhuận của HAH tăng đột biến trong kỳ.
183 tỷ đồng là lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 của HAH, tăng 161% so với cùng kỳ 2020.
Kinh doanh khởi sắc, nên cổ phiếu HAH cũng đã tăng mạnh từ 15.000 đồng/cp lên tới 63.000 đồng/cp trong thời gian qua.
Để đón đầu xu thế tăng giá cước vận tải, Ban Lãnh đạo HAH tiếp tục đầu tư mới vào tàu Hải An West và tàu Hải An East nhằm tăng năng lực vận tải. Đặc biệt, Công ty có kế hoạch tiếp tục đầu tư để trẻ hóa và phát triển đội tàu của mình.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT của HAH cho biết, việc khát công suất vận tải khiến giá thuê tàu container tiếp tục tăng mạnh và đạt mốc kỷ lục mới ở các kích cỡ tàu và ở các kỳ hạn hợp đồng thuê. Giá thuê tàu với các kích cỡ tương đương với đội tàu của HAH như Haian Link và Haian East, đạt 34.000USD/ngày, tăng cao hơn rất nhiều so với các kích cỡ tàu khác.
Với điều kiện thuận lợi như hiện nay, doanh thu thuần dự phóng năm 2021 của HAH ước đạt 1.788 tỷ đồng, tăng 50%, và lợi nhuận sau thuế ước đạt 329 tỷ đồng, tăng 124% so với năm 2020.
Ông Vũ Ngọc Sơn cho biết, giá cước vận chuyển các tuyến liên lục địa có thể sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bình quân một chuyến của container đã tăng thêm từ 20% đến 30%, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt vỏ container và tàu chở container trên toàn thế giới. Đón đầu cơ hội này, HAH tập trung hoàn tất hợp đồng của năm 2021 và tiến hành ký, thực hiện cho năm 2022. Do vậy, Công ty có thể đạt lợi nhuận cao trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022.
Do hoạt động trong ngành vận tải và giao nhận hàng hóa nên hoạt động của HAH cũng chịu ảnh hưởng bởi giá dầu đang có xu hướng tăng cao. Ngoài ra, dù hưởng lợi từ tăng giá cước vận tải, nhưng HAH đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá giữa các cảng trong khu vực Hải Phòng khi các doanh nghiệp cùng ngành sẵn sàng giảm giá để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo HAH đã thấy rõ các thách thức này và đã chủ động chuẩn bị kế hoạch đầu tư tàu container và tổ chức tuyến vận tải container nội địa hậu dịch nhằm đảm bảo công việc cho cảng Hải An. Với việc phát triển tuyến vận chuyển container nội địa và hợp tác với các hãng vận tải container nước ngoài, HAH sẽ duy trì được các tuyến vận chuyển container ngắn nhằm đảm bảo “đầu vào” cho hoạt động hiệu quả của HAH trong những năm tới.
Có thể bạn quan tâm
Container hàng tồn tại cảng Cát Lái về mức "lý tưởng", doanh nghiệp vẫn lo hiệu ứng "domino"
15:00, 11/08/2021
Giảm phí lưu container, lưu kho gỡ khó cho doanh nghiệp
14:59, 11/08/2021
Bộ Công Thương: Đề nghị các hiệp hội giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi
18:39, 10/08/2021
Bộ Công Thương: Đề nghị cảng Cát Lái giảm giá lưu container, lưu bãi
19:12, 04/08/2021