Thủ trưởng các sở, ban, ngành Hải Dương khẩn trương triển khai việc cải thiện các chỉ số thành phần PCI và người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả các chỉ số thành phần thuộc lĩnh vực phụ trách.
>>>Hải Dương: Tiên phong phát triển tăng trưởng xanh và chuyển đổi số
Đó là khẳng định của ông Trần Đức Thắng - Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.
Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng đề nghị UBND tỉnh cần khẩn trương phối hợp, xây dựng để triển khai thực hiện DDCI nhằm đánh giá khách quan, công khai, minh bạch năng lực điều hành kinh tế, chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc cải thiện các chỉ số thành phần PCI và người đứng đầu chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả các chỉ số thành phần thuộc lĩnh vực phụ trách. Các cấp, các ngành trong tỉnh phải tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực cải thiện rõ nét hơn môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương đạt 65,22 điểm, giảm 2,43 điểm (-2,43 điểm) so với năm 2021. Xếp hạng PCI của tỉnh đứng thứ 32 trong cả nước (giảm 19 bậc) so với năm 2021. So với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, xếp hạng của tỉnh đứng thứ 9/11 tỉnh, giảm 4 bậc so với năm 2021.
Trong tổng số 10 chỉ số thành phần PCI, năm 2022 thì Hải Dương chỉ có 1 chỉ số tăng điểm, 9 chỉ số giảm điểm so với năm 2021. Chỉ số tăng điểm là Gia nhập thị trường. Các chỉ số giảm điểm xếp theo thứ tự từ 2,97 điểm đến 0,02 điểm gồm: cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; đào tạo lao động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tính minh bạch; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự và tiếp cận đất đai.
Từ những kết quả trên ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, trong đó nhận định nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc giảm thứ hạng PCI của tỉnh. Cụ thể, tỉnh chưa nhận diện, xác định được các nội dung công việc có tính đột phá, có tính lan tỏa nhằm tạo chuyển biến rõ nét môi trường đầu tư kinh doanh. Còn thiếu đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm hiểu biết về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh; có năng lực tham mưu tốt. Công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cấp sở, ngành, địa phương, một số việc còn chậm, bị động, thiếu quyết liệt; chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo tỉnh, ông Lê Hồng Diên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cam kết, “Ngay sau hội nghị, Sở sẽ khẩn trương rà soát kết quả các chỉ số thành phần PCI để xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, quyết tâm nâng cao điểm, nhất là các chỉ số có trọng số lớn bền vững. Quyết liệt tham mưu tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là các dự án giao thông kết nối vùng hỗ trợ trực tiếp cho việc thu hút các dự án đầu tư, kinh doanh”.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công thương khẳng định Sở sẽ tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, bất cập về đất đai, đầu tư, xây dựng để doanh nghiệp có thể chủ động đón đầu cơ hội từ FTA. Ngành công thương sẽ chủ động tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Công thương để thông tin về FTA tới cộng đồng doanh nghiệp dưới nhiều hình thức.
Còn ông Hoàng Văn Thực - Giám đốc Sở Tài nguyên cũng thừa nhận, Tiếp cận đất đai là chỉ số thành phần có liên quan trực tiếp đến vai trò và trách nhiệm của ngành tài nguyên và môi trường. Trong 14 chỉ tiêu thành phần của chỉ số tiếp cận đất đai có một số chỉ tiêu bị giảm điểm.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Sở sẽ xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc cố tình vi phạm trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sở sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai”.
Tại hội nghị, ông Vũ Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh khẳng định, để cải thiện chỉ số PCI, Cục Thuế tỉnh đã công khai đường dây nóng, doanh nghiệp có thể phản ánh khi cán bộ thuế có biểu hiện nhũng nhiễu. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế.
Về phía lãnh đạo huyện ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND TP Chí Linh đề xuất tỉnh cần sớm ban hành bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) để nâng cao chỉ số PCI. DDCI sẽ là cơ sở để đánh giá khách quan việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh của các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, các sở, ngành cần chủ động tham mưu tỉnh ban hành các nghị quyết, chính sách nhằm hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI gợi ý, Hải Dương có thể đổi mới hoạt động đầu tư bằng cách thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tin tưởng vào năng lực điều hành nền kinh tế của tỉnh để quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư. Mặt khác, theo kết quả điều tra, một số doanh nghiệp tại Hải Dương cho rằng tỉnh ưu ái doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số. Chính vì thế, tỉnh cần cân đối, coi trọng doanh nghiệp lớn nhưng không bỏ qua doanh nghiệp nhỏ.
Kết luận tại hội nghị ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh kết quả PCI thời gian qua của Hải Dương cho thấy mức độ, chất lượng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, vẫn còn những rào cản, những điểm nghẽn, bất cập trong chỉ đạo, điều hành và trong thực thi công vụ, nhất là phục vụ doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng khẳng định, Ngay sau hội nghị UBND tỉnh sẽ tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó phân công rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với từng nhiệm vụ, từng chỉ tiêu cụ thể. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là cơ sở, nền tảng để Hải Dương có thể huy động và phát huy tối đa nguồn lực đầu tư, nhất là của tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu, các lãnh đạo các sở, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cần thẳng thắn, khách quan để nhìn nhận những hạn chế, yếu kém và quyết tâm thay đổi để khắc phục. Then chốt là phải có sự chuyển biến tích cực từ yếu tố quan trọng nhất là “con người” và khâu tổ chức thực hiện với phương châm "Cấp ủy, chính quyền phục vụ nhân dân và đồng hành với doanh nghiệp".
Có thể bạn quan tâm