Hải Dương mong muốn có một nhà máy xử lý rác thải phát điện với công suất khoảng 1.500 tấn/ngày đêm, bảo đảm xử lý toàn bộ rác thải trong toàn tỉnh.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Hitachi Zosen Nhật Bản (đơn vị đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác thải phát điện trên địa bàn tỉnh Hải Dương), ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương khẳng định, Hải Dương sẽ dành những điều kiện tốt nhất để Tập đoàn Hitachi Zosen Nhật Bản nghiên cứu khả thi dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải phát điện tại tỉnh.
Đại diện Tập đoàn Hitachi Zosen Nhật Bản cho biết, dự án xử lý rác thải phát điện đã được tập đoàn xây dựng tại nhiều quốc gia trên thế giới (Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Trung Quốc, Pháp…) với nhiều đặc điểm vượt trội của công nghệ đốt rác phát điện, xử lý khí thải, nước thải trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, xử lý rác thải...; đặc biệt Hệ thống Kompogas (hệ thống lên men Metan) chuyển đổi chất thải rắn hữu cơ rắn như rác thô, cành cây và giấy đã được cắt nhỏ thành khí sinh học thông qua quá trình lên men metan. Tại Việt Nam,Tập đoàn đã triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy rác Nam Sơn, Hà Nội với công suất xử lý 75 tấn/ngày; công suất phát điện 1.930 MW, hoàn thành tháng 04/2017.
Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương cũng khẳng định, xử lý rác thải là vấn đề Hải Dương đang quan tâm với mong muốn xây dựng một nhà máy xử lý toàn bộ rác thải của đô thị cũng như rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn của toàn tỉnh. Hải Dương đang phát triển mạnh mẽ, lượng rác thải chắc chắn sẽ tăng cao trong thời gian tới. Vì thế, tập đoàn nên nghiên cứu, tính toán xây 1 nhà máy có khả năng xử lý khoảng 1.500 tấn rác thải/ngày đêm.
Đồng thời cam kết, Hải Dương sẽ cung cấp những dữ liệu cần thiết, dành những điều kiện tốt nhất để tập đoàn tiến hành nghiên cứu khả thi. Đề nghị tập đoàn hoàn thành nghiên cứu khả thi dự án trong thời gian sớm nhất.
Hiện, việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở khu đô thị của tỉnh Hải Dương chỉ có hình thức đốt và chôn lấp. Còn ở khu vực nông thôn chủ yếu là phương pháp chôn lấp. Các hố chôn lấp chỉ được đào và tải một lớp vải lót ở dưới rồi đổ rác lên trên. Mỗi khi mưa, các hố chôn lấp này lại biến thành các điểm gây ô nhiễm môi trường. Các loại rác thải phát sinh trong nông nghiệp như vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom hoặc mới chỉ được thu gom vào các bể chứa, chưa được xử lý triệt để. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 835 bãi chôn lấp rác thải nhưng hầu như không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong một lần làm việc với UBND tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân khẳng định, hiện nay công nghệ xử lý rác thải và phát điện là khá ưu việt. Mỗi nhà máy xử lý rác thải, phát điện sẽ tạo thêm nguồn năng lượng mới cho phát triển kinh tế của đất nước; góp phần giảm ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện, thủy điện gây ra hiện nay. Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung cần kêu gọi đầu tư xây dựng các Nhà máy xử lý rác thải và phát điện với công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Hải Dương từng bước giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải, xây dựng lò đốt rác ở nông thôn và tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại. Hiện nay, việc xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp vẫn chiếm tới 70% và theo quy hoạch xử lý chất thải rắn đã được Thủ tướng phê duyệt thì đến năm 2025 phải giảm xuống còn 30%.
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác được quy hoạch chôn lấp, tự phát và lò đốt thủ công đã gây không ít hệ luỵ đến cuộc sống, sinh hoạt người dân vùng phụ cận.
Lò đốt công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý khói, bụi nên những hộ gia đình ở gần lò đốt rác lãnh đủ hậu quả. Không những vậy, rác ở đây chất như núi không xử lý kịp thường xuyên bốc mùi hôi thối, nước rác chảy tràn lan khắp nơi, ruồi nhặng phát sinh gây ra nhiều mầm bệnh nguy hiểm… Nguyên nhân chính, rác thải sinh hoạt không được phân loại là “mớ hỗn độn” nên khó xử lý bằng việc đốt thông thường. Do đó, các lò đốt này cũng chỉ hoạt động được ít năm đã phải đóng cửa “bỏ hoang, bỏ phí”. Cho nên xây dựng nhà máy xử lý rác thải phát điện là việc cần làm ngay lúc này của tỉnh Hải Dương.
Trước đó, tháng 7/2018, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng. Nhà máy do Liên doanh United Exprert Investments Limited và Cty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt làm chủ đầu tư, với tổng vốn 1.023 tỷ đồng, trên tổng diện tích sử dụng đất của Dự án là 10 ha, với công suất 500 tấn/ngày đêm theo công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu. Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo dừng triển khai dự án do người dân phản đối, trong khi lượng rác vẫn tăng lên mỗi năm.
Có thể bạn quan tâm