Mỗi ngày, Hải Phòng phát sinh gần 2.000 tấn rác, thế nhưng thực tế mới chỉ có 2 khu xử lý cấp thành phố hoạt động chính thức, dẫn đến nguy cơ quá tải rất cao.
Những năm qua, Hải Phòng đầu tư nhiều hạ tầng, công nghiệp gia tăng. Các khu đô thị được đầu tư mở rộng, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân ngày càng tăng, kéo theo đó là vấn đề rác thải đô thị gia tăng.
Được biết, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và thu gom trên địa bàn toàn Hải Phòng có trung bình gần 2000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị khoảng 1.100 tấn, khu vực nông thôn khoảng trên 600 tấn/ngày. Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, khối lượng phát sinh từ hơn 500 cơ sở sản xuất kinh doanh là 2,7 đến 3 triệu tấn/năm.
Đối với khu vực nông thôn, vấn đề phân loại rác không được chú trọng thực hiện, vì vậy, rác thải chủ yếu tập kết tại những bãi lộ thiên, đổ dọc bờ kênh mương, đồng ruộng. Nhất là khu vực tiếp giáp với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, QL10, đường liên huyện…rác ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, TP Hải Phòng phấn đấu 100% lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đồng thời, 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, 97% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom xử lý hợp vệ sinh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng. Bên cạnh đó, giảm 50% khối lượng nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các đô thị đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.
Được biết, sở tài nguyên môi trường Hải Phòng mỗi năm tiếp nhận báo cáo và quản lý chất thải của hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh. Chỉ tính năm 2018, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường khoảng hơn 2,6 triệu tấn, tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2017. Toàn bộ số chất thải này được các sơ sở ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý. Nhưng chỉ khoảng dưới 10% lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái chế mặc dù khá nhiều thành phần chất thải của những doanh nghiệp này có thể được tái chế.
Trong khi đó, tình trạng đổ rác thải xây dựng bừa bãi, tràn lan trên địa bàn thành phố cũng đang gây bức xúc trong nhân dân, trong khi việc xử lý vừa khó, vừa thiếu chế tài. Các địa phương không hề có quy hoạch khu vực đổ và xử lý rác thải xây dựng, trong khi mỗi ngày hàng nghìn khối rác thải xây dựng bị đổ trộm ở các bãi đất trống gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Chủ công trình xây dựng chỉ thuê người chở vôi thầu, gạch vỡ khỏi công trình mà không cần quan tâm họ đổ đi đâu.
Hiện, Hải Phòng có 6 khu xử lý chất thải rắn cấp thành phố và 8 khu xử lý cấp huyện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có khu xử lý Đình Vũ và khu xử lý Tràng Cát đã đi vào hoạt động chính thức. Còn khu xử lý chất thải rắn Gia Minh thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên (quy mô quy hoạch 35ha) đã được triển khai dự án theo nguồn vốn vay ODA từ năm 2004, đến nay chưa được đưa vào hoạt động. Vì vậy, 2 khu này phải xử lý lượng chất thải tương đối lớn, nguy cơ dẫn đến quá tải. Hầu hết các dự án còn lại đều nằm trong tình trạng “đắp chiếu”, chậm triển khai do vướng mắc giải phóng mặt bằng hoặc thiếu nguồn kinh phí.
Ở cả 2 khu xử lý rác thải cấp thành phố hiện nay đều áp dụng phương thức chôn lấp để xử lý chất thải rắn. Tại khu xử lý rác Đình Vũ, ngoài chôn lấp, thử nghiệm mô hình xử lý rác Fukuoka của Nhật Bản. Do điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, mô hình này mới ở mức thử nghiệm.
Chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại, hiện trên địa bàn thành phố có 6 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép xử lý. Ngoài ra là một số cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ và các đơn vị ngoài thành phố. Chất thải rắn nguy hại cơ bản được các chủ nguồn thải phân loại, lưu giữ theo Thông tư hướng dẫn số 36 của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thu gom triệt để, lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại chưa đúng quy định.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp một số doanh nghiệp tại KCN Đình Vũ cho biết: Khu liên hợp xử lý rác thải Gia Minh(70ha) gần chục năm chưa xong dân rất bức xúc. Việc đã và đang vận hành bãi rác Đình vũ và Tràng cát nằm giữa trung tâm khu kinh tế Đình Vũ -Cát Hải là không thể chấp nhận được.
Theo lãnh đạo công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (MTĐT) Hải Phòng cho biết: Hiện lượng rác thải sinh hoạt mà công ty MTĐT thu gom được tại các quận nội thành Hải Phòng khoảng 1000 tấn/ ngày, cùng với hơn 01 tấn rác thải y tế. Sau khi thu gom công ty tập kết xử lý rác tại hai bãi Đình Vũ và Tràng Cát với phương pháp chôn lấp vi sinh. Hàng ngày công ty phải lên kế hoạch thu gom rác sao cho hiệu quả. Hiện công ty đang sử dụng mô hình thu ba lớp. Bước đầu tiên thực hiện ngăn chặn việc đổ rác thải trộm để dân nâng cao ý thức đổ rác đúng nơi quy định; Thứ hai tuyên truyền để dân phối hợp với công ty giờ đổ rác để tránh tình trạng đưa rác ra đường gây ô nhiễm và mất mỹ quan thành phố. Thứ ba quét đường và thu gom rác đúng giờ quy định.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, hai bãi rác Đình Vũ và Tràng Cát đang ở tình trạng quả tải, rác được chất cao như núi. Tính trung bình mỗi ngày đêm toàn Hải Phòng có hơn 2.000 tấn rác thải sinh hoạt được thải ra, trong đó một phần là rác thải nhựa. Việc thu gom lượng rác thải nhựa phát sinh mỗi ngày là rất khó khăn, vì hiện nay trên địa bàn Hải Phòng chưa thực hiện phân loại rác từ đầu nguồn trên diện rộng. Rác thải nhựa thải ra môi trường rất khó phân hủy, sẽ gây ô nhiễm môi trường, cản trở sự phát triển của các loài thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Còn khi đốt, rác thải nhựa sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Vì vậy, việc ý thức con người là quan trọng nhất. Để cho một môi trường xanh sạch đẹp một người dân cần có một ý thức bảo vệ môi trường. Thêm nữa là việc cần tìm kiếm giải pháp công nghệ thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý phù hợp với Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên, phát triển đô thị sạch, đẹp và bền vững là yêu cầu cấp thiết.