UBND huyện Kim Thành (Hải Dương) đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hộ kinh doanh không chấp hành quyết định di chuyển hàng hóa, vật dụng và người ra khỏi chợ Giống cũ, xã Cổ Dũng.
>>>Hải Dương: Đề xuất di dời một cụm công nghiệp ra khỏi nội thành
Lực lượng chức năng đã lập biên bản các hộ kinh doanh không chịu di dời, thông báo yêu cầu các hộ dân di chuyển toàn bộ hàng hóa ra khỏi chợ và chính thức dừng hoạt động của chợ Giống cũ tại xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành (Hải Dương).
Theo UBND huyện Kim Thành, sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, niêm yết công khai, gửi đến người vi phạm trước ngày 2/3/2022.
Trước đó, UBND xã Cổ Dũng có Thông báo số 04/TB-UBND về việc dừng hoạt động chợ Giống cũ.
Theo thông báo của UBND xã Cổ Dũng, chợ Giống cũ sẽ dừng hoạt động từ 0h ngày 16/2/2022. Yêu cầu các tiểu thương và nhân dân dừng tất cả các hoạt động kinh doanh, mua bán tại chợ Giống cũ, di chuyển người, hàng hóa, vật dụng khác ra khỏi khu đất tại chợ trả lại mặt bằng để UBND xã Cổ Dũng xây dựng khu văn hóa, thể thao xã Cổ Dũng trên diện tích chợ Giống cũ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Từ ngày 16/2, UBND xã Cổ Dũng thực hiện giải thể tổ quản lý chợ theo quy định. Các tiểu thương cố tình vi phạm, không di chuyển người, hàng hóa, vật dụng khác ra khỏi khu đất chợ Giống cũ xã Cổ Dũng, nếu để xảy ra cháy nổ, hư hỏng, mất tài sản, hàng hóa và vận dụng khác, thì các tiểu thương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Sau thời gian đã thông báo trên, nếu tiểu thương nào cố tình kinh doanh tại chợ Giống cũ, không chấp hành di chuyển người, hàng hóa, vận dụng khác ra khỏi khu đất chợ Giống cũ, UBND xã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trình UBND huyện ban hành các quyết định xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và tổ chức giải phóng mặt bằng để xây dựng khu văn hóa, thể thao xã Cổ Dũng.
>>>Di dời nhà máy gây ô nhiễm: Vì sao chậm tiến độ?
>>>Vì sao chậm di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô?
Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, hoàn thành di dời các hộ tiểu thương tại chợ Giống cũ sang chợ Giống mới, từ ngày 20/3 đến 31/3, lực lượng chức năng sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng chợ Giống cũ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, lực lượng chức năng sẽ bàn giao đất để xây dựng khu văn hóa, thể thao ngay trên nền đất của chợ này.
Trước khi tiến hành các thủ tục, xã Cổ Dũng đã quyết định hỗ trợ các hộ kinh doanh đã nộp thuế môn bài bậc 1 với mức 12 triệu đồng/hộ; bậc 2 với mức 8 triệu đồng/hộ; bậc 3 là 7 triệu đồng/hộ; bậc 4 mức 6 triệu đồng/hộ; bậc 5 là 5 triệu đồng/hộ; bậc 6 được hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ.
Các hộ kinh doanh không nộp thuế môn bài được nhận hỗ trợ bằng 70% mức hỗ trợ đối với hộ nộp thuế môn bài bậc 6, tương ứng 2,8 triệu đồng/hộ.
Ngoài mức hỗ trợ trên, Hợp tác xã Thương mại, Dịch vụ sản xuất và Xây dựng Cổ Dũng (chủ đầu tư chợ Giống mới) còn hỗ trợ các hộ kinh doanh cố định có hợp đồng thuê kiốt tại chợ Giống cũ chuyển sang kinh doanh tại chợ Giống mới.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư bố trí đủ số lượng gian hàng cho các hộ kinh doanh có hợp đồng tại chợ Giống cũ khi chuyển sang chợ Giống mới; giảm trực tiếp tiền thuê gian hàng với mỗi hợp đồng là 20 triệu đồng; miễn, giảm các khoản chi phí quản lý trong 2 năm từ khi ký hợp đồng trừ tiền điện, nước, vệ sinh môi trường các hộ phải đóng theo thực tế sử dụng...
Đối với các hộ kinh doanh không theo hợp đồng tại chợ Giống cũ, chủ đầu tư cam kết miễn tiền thuê diện tích bán hàng tại chợ, phần diện tích ngoài khu vực gian hàng và các khoản thu vào chợ để kinh doanh, buôn bán trong 2 năm.
Việc di dời chợ Giống cũ sang chợ Giống mới đã vấp phải sự phản đối rất gay gắt từ các tiểu thương.
Theo bà Hạnh, một tiểu thương tại chợ cho biết: “Bà con tiểu thương chúng tôi vô cùng bức xúc trước cách làm của chính quyền Xã. Chợ này là chợ dân sinh, được thành lập từ những năm 90, đến năm 2014 xã Cổ Dũng đạt chuẩn Nông thôn mới và chợ giống cũ còn là 1 trong 19 tiêu chí để được công nhận. Tất cả bà con đang buôn bán, kinh doanh bình thường, vậy tại sao giờ lại bắt chúng tôi phải chuyển sang chợ mới của tư nhân?”
Cũng theo bà Hạnh, với sức mua và hoạt động giao thương hiện tại, ngôi chợ (chợ Giống cũ) còn dư diện tích, đủ đáp ứng cho cả Xã, không cần thiết phải xây chợ mới để làm gì.
Cùng cảnh ngộ như bà Hạnh, nhiều tiểu thương khác trong chợ cũng vô cùng bức xúc trước việc, nhiều quyết sách quan trọng của chính quyền xã không được thông tin minh bạch trước nhân dân. Mặc dù dự án khu chợ, dịch vụ thương mại xã Cổ Dũng (chợ Giống mới) được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận, phê duyệt triển khai xây dựng từ năm 2017 nhưng theo các tiểu thương họ hoàn toàn mập mờ về thông tin này.
Bà Nga, một tiểu thương kinh doanh quần áo chia sẻ: “Trước đây bà con có nghe các bác ở Xã nói là sắp tới xã có chủ trương chuyển chợ cho bà con, mỗi ki-ốt 10m2, sang đấy sẽ thoáng đãng, sạch sẽ hơn. Bà con ai cũng phấn khởi và hoàn toàn ủng hộ bởi nghĩ đây là chủ trương của Xã, nên mọi người cũng lên đấy đăng kí và đặt cọc tiền. Nhưng đến khi sang chợ Giống mới, bà con mới “trật lất” ra là chợ của tư nhân, mà diện tích mỗi kiốt tính ra không đến 7m2”.
Chợ Giống cũ được Ủy ban Nhân dân xã Cổ Dũng xây dựng từ năm 1989 trên diện tích 2.100m2. Sau thời gian dài hoạt động, chợ đã xuống cấp, chật hẹp, không có bãi gửi xe, thường xuyên gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Chợ Giống cũ có 162 gian hàng hoạt động, trong đó 103 gian hàng có hợp đồng thuê mặt bằng với UBND xã, 59 gian hàng tự phát.
Để đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa ngày càng tăng của người dân địa phương và một số xã lân cận, cuối năm 2016, xã Cổ Dũng có chủ trương xây dựng chợ mới ra khu Đồng Hóp ở thôn Bắc và dành toàn bộ diện tích chợ cũ để xây dựng khu văn hóa, thể thao xã Cổ Dũng.
Năm 2018, Hợp tác xã Thương mại, Dịch vụ sản xuất và Xây dựng Cổ Dũng đã đầu tư dự án "Xây dựng khu chợ, dịch vụ thương mại" tại xã Cổ Dũng theo Quyết định số 733/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Kim Thành phê duyệt theo hình thức xã hội hóa.
Chợ được xây dựng trên diện tích 13.800m2 với tổng số vốn đầu tư gần 21 tỷ đồng, thời gian hoạt động dự án là 25 năm. Đây là chợ hạng 3, được xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn của một chợ an toàn, đầy đủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Có thể bạn quan tâm
Di dời chợ Sắt Hải Phòng: Tiểu thương cần một văn bản chính thức của thành phố, sau 3 năm
00:57, 26/01/2022
Di dời chợ Sắt, Hải Phòng: Tiểu thương nói gì
08:00, 15/01/2022
Vì sao Đà Nẵng chưa di dời ga đường sắt?
13:45, 24/11/2021
Quảng Bình: Lên phương án di dời 15 hộ dân ra khỏi vùng bị ô nhiễm
04:15, 09/11/2021