Quảng Ninh: Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội

HẢI NGÂN 08/07/2022 00:28

Những hạn chế trong việc giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư FDI, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn thừa nhận tại kỳ họp HĐND khoá XIV vừa qua.

>>>Quảng Ninh: Tăng cường nỗ lực trong việc chống khai thác thủy sản trái phép

>>>Quảng Ninh: Du lịch se duyên cùng OCOP

Những tồn tại…

Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thành công của chiến lược vaccine với tỷ lệ cao nhất cả nước đã đưa kinh tế Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi, phát triển và giữ vững đà tăng trưởng GRDP 2 con số. 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng và tạo được niềm tin với các doanh nghiệp. Công tác GPMB, triển khai các dự án trọng điểm, động lực, các dự án trong KKT, KCN được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ.

Nhà thầu thi công tuyến đường trục chính trung tâm KĐT Cái Rồng (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Nhà thầu thi công tuyến đường trục chính trung tâm KĐT Cái Rồng (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Còn theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh bước vào nhiệm vụ năm 2022 có những thuận lợi rất cơ bản từ thành quả 2 năm liên tiếp 2020, 2021 do thực hiện thành công “mục tiêu kép”, giữ địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, phát triển với đà tăng trưởng GRDP 2 con số. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ được vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số PCI 5 năm liên tiếp (2017 - 2021), chỉ số SIPAS 3 năm liên tiếp (2019 - 2021). Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn mà tỉnh Quảng Ninh cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu quả thấp, phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm so với tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện nay ở Quảng Ninh còn quá thấp, các KKT chưa thực sự trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy tăng trưởng. Kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số còn chậm phát triển…

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina, KCN Đông Mai (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina, KCN Đông Mai (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Cùng với đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai... có mặt còn hạn chế so với yêu cầu.

Đặc biệt, nhiều công trình giao thông động lực, chiến lược đều chậm tiến độ, chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp ở cả 3 cấp ngân sách như: Dự án cầu Cửa Lục 1 với tỷ lệ giải ngân đạt 33,7% kế hoạch, Dự án đường bao biển nối TP Hạ Long - TP Cẩm Phả đạt 22,7% kế hoạch; Dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng đạt 38,5% kế hoạch… Hầu hết, các dự án giao thông có tổng mức đầu tư lớn nhưng tỷ lệ giải ngân vốn thấp là do quá trình triển khai thực hiện vướng mắc về nguồn đất đắp và vị trí đổ thải, GPMB chậm…

>>>Quảng Ninh: Tiếp tục “xây tổ… đón đại bàng”

>>>Cẩm Phả (Quảng Ninh): Nguy cơ xâm hại cảnh quan, môi trường từ dự án nghìn tỷ

Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, một trong những nguyên nhân chậm giải ngân, điều hòa, điều chuyển, chuyển nguồn vốn lớn là do những năm gần đây đều có một lượng vốn từ nguồn chi thường xuyên chuyển sang nguồn chi đầu tư phát triển, trong khi quy mô vốn chi đầu tư công ngày càng lớn, danh mục các dự án đã được bố trí vốn đảm bảo ngay từ đầu năm, nếu bổ sung nguồn vốn rất khó khăn trong giải ngân. Đến ngày 5/7 việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 6.024 tỷ đồng/16.539 tỷ đồng, bằng 36,4%. Trong đó, thanh toán kế hoạch hoàn thành là 4.100 tỷ đồng, bằng 68% giá trị giải ngân, thấp hơn so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm, số tuyệt đối phải giải ngân là 10.515 tỷ đồng là con số tương đối lớn.

Còn theo ông Nguyễn Việt Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hiện có 151 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư là 8,3 tỷ USD. Đến nay, tổng vốn thực hiện đạt 6,13 tỷ USD, tương đương 74,2% vốn đăng ký đầu tư. Trong đó, mức đóng góp cho ngân sách của khu vực này còn thấp so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh khi mới đạt trên 925 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2022.

Hiến kế

Với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) cả năm 2022 đạt trên 11%, tại kỳ họp HĐND khoá XIV, ông Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các đại biểu làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, yếu kém, nhất là trong khâu chấp hành, tổ chức thực hiện; đưa ra những phân tích, dự báo về những cơ hội, khó khăn, thách thức, từ đó xác định các giải pháp để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra.

Sản xuất dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, KCN Cảng biển Hải Hà (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Sản xuất dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, KCN Cảng biển Hải Hà (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Riêng về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025, phê duyệt chủ trương và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, ông Ký cho biết, phát triển “kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước” để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, HĐND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xem xét các tờ trình và phê duyệt chủ trương đầu tư một số công trình, dự án nhằm tiếp tục cụ thể hóa khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 – 2025.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã yêu cầu các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư ứng với khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành được nghiệm thu, hoàn thiện các hồ sơ thanh toán theo quy định… Về phía các chủ đầu tư, nhà thầu, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu nâng cao năng lực thi công cả về trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo tiến độ, khối lượng, chất lượng công trình, nhất là tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.

Theo bà Trịnh Thị Minh Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, địa phương cần quan tâm hơn đến nội dung kiểm tra giám sát, giải quyết các kiến nghị của cơ sở sau kiểm tra để không chỉ khắc phục được tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công mà còn nhiều nội dung khác nữa sẽ thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ.

Liên quan đến vấn đề thu hút FDI, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh GPMB phục vụ các dự án. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp tận dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp, hạn chế san đồi, để đảm bảo môi trường bền vững.

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh phấn đấu đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền…

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Ì ạch, chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công

    Quảng Ninh: Ì ạch, chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công

    01:10, 07/07/2022

  • Quảng Ninh: Tăng cường nỗ lực trong việc chống khai thác thủy sản trái phép

    Quảng Ninh: Tăng cường nỗ lực trong việc chống khai thác thủy sản trái phép

    18:50, 04/07/2022

  • Quảng Ninh: Du lịch se duyên cùng OCOP

    Quảng Ninh: Du lịch se duyên cùng OCOP

    03:45, 04/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO