Xuất phát từ ý tưởng phát triển nông sản sạch, kết hợp đặc sản của vùng đất nuôi rươi sản phẩm gạo mang thương hiệu “gạo hữu cơ Bãi Rươi” đã được đưa ra thị trường, được người tiêu dùng đánh gía cao.
Xuất thân từ một kỹ sư công nghệ, đại hoạc Bách khoa Hà Nội, công tác 14 năm anh Nguyễn Văn Tuân đã rẽ ngang quyết định khởi nghiệp với nghề trồng lúa. Trở về quê trăn trở với phương thức trồng lúa của bà con nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều tác dụng của nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Anh đã quyết tâm nung nấu, qua khảo sát anh nhận thấy vùng bãi ven sông Thái Bình là nơi sản sinh ra loại rươi thương hiệu Tứ Kỳ nổi tiếng. Với mong muốn được làm một việc gì đó cho quê hương, anh đã quyết định bắt tay vào công việc. Không ít những khó khăn, anh đã nhờ sự hỗ trợ của một số nhà khoa học từ Viện Di truyền nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp, Viện sinh thái và môi trường nhiệt đới. Đặc biệt là giáo sư Đỗ Năng Vịnh người đã tư vấn cho anh chọn giống lúa Japonica J02 có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Vụ Đông Xuân 2016 – 2017 anh Tuân đã xây dựng và mở rộng vùng sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ trên một số vùng rươi. Thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất lúa tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Đây là những vũng bãi có tổng diện tích lớn, tập trung, nằm phía ngoài đê và chịu tác động của thủy triều. Những vùng bãi này cũng là nơi sinh cư của loài rươi và cũng chính loài này đã làm nên thương hiệu “Rươi Tứ Kỳ”, “Rươi Thanh Hà” - đặc sản - thơm - ngon – bổ dưỡng” nổi tiếng khắp cả nước. Đất ở đây hàng năm được bồi đắp bởi phù sa của sông Thái Bình nên rất màu mỡ và có nhiều dinh dưỡng cho cây trồng.
Trao đổi với báo Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Nguyễn Văn Tuân cho biết: đặc tính của con rươi là loại sinh vật rất đặc biệt nhạy cảm với các loại hóa chất, nó chỉ sống được với đất và nước sạch, diện tích để con rươi sinh sống được rất ít. Con rươi là loại kiểm định đặc biệt cho chất lượng gạo trồng ở đó. Lúa và rươi cộng sinh trong một môi trường sống, lúa mang lại môi trường thích hợp cho rươi sinh trưởng còn rươi đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng cho lúa phát triển. Theo nghiên cứu thì trước khi rươi ngoi lên mặt nước để thực hiện quá trình sinh sản nó sẽ để lại một phần cơ thể trên mặt đất phần cơ thể đó cùng phù sa lắng đọng sẽ thành chất nuôi dưỡng cho cây lúa.
Giáo sư Đỗ Năng Vịnh cho biết: “Bản thân gạo J02 ăn đã rất ngon, nó từng được nhiều khách Nhật Bản đặt hàng để mua. Đặc biệt gạo J02 được trồng trên vùng đất nuôi rươi, lại càng sạch, càng tinh túy, càng ngon. Những mô hình nông nghiệp hữu cơ, liên kết các hộ với nhau, đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ đặc sản”.
Ông Phạm Xuân Nhuận, chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết, việc sản xuất mô hình lúa rươi có tác dụng rất tốt cho môi trường, vừa có sản phẩm con rươi, lại có gạo hữu cơ giúp cho bà con nông dân tiệp cận, phát triển kinh tế được.
Không phụ lòng người, vụ Đông Xuân 2017 - 2018 trên quy mô 60 ha gieo cấy, công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới đã thu mua được gần 200 tấn thóc đưa ra thị trường được hơn 100 tấn gạo, gồm hai giống lúa: Japonica J02 và Bắc Hương 9. Sản phẩm đã được thị trường đón nhận, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, sự an toàn. Sản phẩm “gạo hữu cơ Bãi Rươi” cũng được lựa chọn để giới thiệu tại nhiều hội nghị, hội chợ, triển lãm của ngành khoa học cũng như ngành nông nghiệp. Nhận diện thương hiệu của sản phẩm trên thị trường đã bước đầu được xác lập. Quy mô triển khai dự án trong vụ Đông Xuân 2018 – 2019 là 100 ha và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng lên 120 ha trong vụ 2019 – 2020.
Có thể bạn quan tâm
04:27, 01/11/2019
05:19, 01/11/2019
04:03, 01/11/2019
Song song với việc đảm bảo triển khai dự án theo đúng dự án đã được phê duyệt, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới cũng thường xuyên bám sát, nắm bắt và thực hiện những quy định mới trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, hướng đến mục tiêu xây dựng vùng lúa – rươi của dự án trở thành vùng nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu của tỉnh Hải Dương và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, từng bước đạt những tiêu chuẩn hữu cơ của quốc tế.