Từ nay đến cuối năm, tỉnh Hải Dương phải có kế hoạch bảo vệ môi trường chu đáo, quyết liệt, rành mạch. Đồng thời kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất nếu xả trộm ra môi trường.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về việc thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn 2006 - 2020. Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu tỉnh Hải Dương phải quyết liệt triển khai các biện pháp cụ thể, đổi mới phương thức quản lý để bảo vệ môi trường. Đặc biệt từ nay tới cuối năm, tỉnh Hải Dương phải có kế hoạch bảo vệ môi trường chu đáo, quyết liệt, rành mạch, đồng thời kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất nếu xả thải trộm ra môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 35 cụm công nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.543,9 ha, trong đó có 31 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng số cơ sở thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp là khoảng 296 cơ sở. Do không có chủ đầu tư hạ tầng nên các nguồn phải phát sinh do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong cụm công nghiệp tự xử lý cục bộ tại cơ sở mình và thải ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại được các doanh nghiệp tự ký hợp đồng với các đơn vị vận chuyển và xử lý.
Trong khi đó, tại các làng nghề, phần lớn nước thải, chất thải rắn, lỏng và chất thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy định mà đổ thải ngay tại các ao, hồ, kênh mương và các khoảng đất trống trong làng, ngoài đồng gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Theo UBND tỉnh Hải Dương thông tin về cơ bản các khu công nghiệp đang hoạt động đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Tỉnh đã đầu tư 2 nhà máy xử lý rác thải tập trung: Nhà máy xử lý rác thải Seraphin Hải Dương của Công ty cổ phần môi trường APT - Seraphin Hải Dương với công suất khoảng 200 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý rác thải tại xã Việt Hồng của Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương có công suất thiết kế 248 tấn/ngày đêm.
Hiện, 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý; 98,5% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý. 72,7% tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nghiêm trọng đã được xử lý triệt để…
Tuy nhiên do Hải Dương là hạ nguồn của sông Bắc Hưng Hải nên phải tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt của khu dân cư dọc hai bờ sông. Đặc biệt chất lượng nước sông cầu Bây đã bị ô nhiễm từ thành phố Hà Nội chảy qua Hưng Yên về tỉnh Hải Dương.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho rằng, chất lượng nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước cấp cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân sinh sống 2 bên bờ sông.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường hiện hữu, nhất là trên hệ thống Bắc Hưng Hải, Thứ trưởng Võ Thiện Nhân đề nghị tỉnh Hải Dương chỉ đạo sát sao việc sớm đưa các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp tỉnh vào hoạt động. Rà soát, đóng cửa các bãi chôn lấp, lò đốt rác thải sinh hoạt cấp xã không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Hải Dương cần có biện pháp thu gom, xử lý triệt để toàn bộ lượng rác thải tồn đọng, chôn lấp không đúng quy định về bảo vệ môi trường. Tiến hành thanh tra, kiểm tra 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi về môi trường.
Có thể bạn quan tâm