Nhiều người lao động đang trông đợi những thông tin thưởng tết từ ban lãnh đạo doanh nghiệp. Các ông chủ cũng đã bắt đầu tính toán để cán bộ, công nhân viên có một cái tết ấm áp, sum vầy.
>>>Hải Dương: Tăng cường liên kết phát triển du lịch bền vững
Với đa số người lao động trong các doanh nghiệp đang ngóng thưởng cho một cái Tết Nguyên đán đủ đầy. Mà còn ngóng bởi những chắt chiu quan tâm, chăm lo thiết thực và kịp thời.
Nín thở chờ công bố thưởng Tết
Lĩnh vực bất động sản cũng có một năm chật vật khi thị trường chưa khởi sắc. Một số doanh nghiệp cho biết chỉ thưởng tết tượng trưng cho nhân viên. Một doanh nghiệp địa ốc tại TP Hải Dương, cho biết thị trường bất động sản năm 2023 tiếp tục kéo dài thêm những khó khăn suy thoái kinh tế. “Năm nay công ty tôi chỉ có thể thưởng dưới một tháng lương, hoặc trường hợp đặc biệt mới được tối đa một tháng lương.
Theo chị Nguyễn Thị Lan – NLĐ trong KCN Cộng Hòa cho biết: Năm nay gần Tết Nguyên đán, công việc làm công nhân ở một công ty may mặc không nhiều việc như năm ngoái. Điều này khác hẳn mấy năm trước, khi ấy chị đi sớm về đêm, hầu như ngày nào cũng tăng ca để kịp đơn hàng của công ty. Chị và nhiều công nhân chạy việc đầy áp lực nhưng thu nhập thì khá, mỗi tháng chị dành dụm được một khoản, thưởng Tết cũng đủ đầy. Nhưng hai năm nay thì khác, giữ được việc, ngày làm ngày nghỉ như chị còn được gọi là may mắn. Còn nhiều công nhân chỗ phải nghỉ làm do công ty cắt giảm lao động để gắng gượng duy trì. Mong mỏi công ty sớm phục hồi phát triển như trước để người lao động lại được tăng ca, để gần Tết còn hy vọng có một khoản thưởng chứ không như năm nay, chị không dám mong chờ về khoản thưởng ấy dù công ty chưa công bố.
Theo chị Lan, Tết Nguyên đán sắp đến, đủ thứ sẽ phải chi tiêu trong dịp lễ trọng này, nhưng cả một năm thu nhập bấp bênh thì dự báo đây sẽ là một cái Tết ảm đạm với nhiều người, không khác là mấy so với cái Tết năm COVID.
Còn theo ông Lê Văn Hiếu - Doanh nghiệp vận tải biển sông HD chia sẻ: Trong bối cảnh đơn hàng giảm, tình hình kinh doanh ảm đạm, doanh nghiệp phải tìm đủ mọi cách để có việc làm, không bị phá sản thì việc lo thưởng Tết cho người lao động là việc không dễ dàng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng lo cho người lao động trong doanh nghiệp một cái tết sum vầy.
Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn do chịu tác động của tình hình thế giới, mức thưởng Tết năm 2024 sẽ giảm 10 - 20% tùy theo từng ngành và thậm chí việc nhiều doanh nghiệp không có thưởng Tết cho người lao động cũng là điều dễ hiểu vì duy trì mức lương cũng đã không hề đơn giản. Ngành dệt may, da giày là điển hình của khó khăn khi phải trải qua một năm bĩ cực do sụt giảm đơn hàng.
Chờ Tết ấm lòng...
Chỉ còn độ gần hai chục ngày nữa là đến Tết Giáp Thìn. Như mọi năm, đến thời điểm này, nhiều công nhân đã bắt đầu ngóng thông tin thưởng tết. Vì trong năm, những khoản tiền để dành được cũng đã chi dùng ít nhiều, nên hầu như tiền thưởng sẽ là lộ phí về quê thăm nhà và cho những người thân trong gia đình.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp: Hải Dương hiện có 9.656 doanh nghiệp đang hoạt động với 394.576 lao động, dù mức thưởng đa số thấp hơn so với năm trước, song nhiều doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao so với mặt bằng chung.
Trong khối Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng thấp nhất 500.000 đồng/người, bình quân 2,2 triệu đồng/người, cao nhất 12 triệu đồng/người.
Theo thống kê hiện khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức thưởng thấp nhất 100.000 đồng/người, bình quân hơn 1,9 triệu đồng/người, cao nhất 5 triệu đồng/người. Tiếp đến là khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng thấp nhất 100.000 đồng/người, bình quân 800.000 đồng/người và cao nhất 10 triệu đồng/người.
Theo tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến ngày 26/12, mức thưởng Tết của Hải Dương cao nhất thuộc về một cá nhân của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 110 triệu đồng. Đây là mức thưởng dành cho một cá nhân của một doanh nghiệp FDI tại khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng). Cùng thời điểm này năm trước, đây cũng là doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết Quý Mão cao nhất tỉnh.
Theo thống kê: Mức thưởng Tết dương lịch bình quân của khối doanh nghiệp FDI là 930.000 đồng/người, mức thấp nhất 50.000 đồng/người. Khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng mỗi người cao nhất 10 triệu đồng, bình quân 800.000 đồng, thấp nhất 100.000 đồng. Còn tại những doanh nghiệp cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức thưởng cao nhất 5 triệu đồng/người, bình quân 1.930.000 đồng/người, thấp nhất 100.000 đồng/người. Tiếp đến là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức thưởng cao nhất 12 triệu đồng/người, bình quân 2,2 triệu đồng/người, thấp nhất 500.000 đồng/người. Như vậy, mức thưởng Tết dương lịch thấp nhất và cao nhất đều thuộc về khối doanh nghiệp FDI.
Trước đó, Hải Dương đã công bố mức thưởng Tết dương lịch. Theo tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết dương lịch năm 2024 bằng 96,5% mức thưởng cao nhất năm 2023. Người lao động được thưởng thấp nhất là 50.000 đồng/người. Tuy nhiên, mức thưởng Tết dương lịch thường không cao, nhiều doanh nghiệp còn không thưởng. Tâm lý chung của người lao động những ngày này vẫn là mong đợi được một con số thưởng Tết Nguyên đán không đến nỗi quá thất vọng. Tất cả dường như đang nín thở chờ công bố thưởng Tết.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh: Nuôi dưỡng nguồn lao động để sẵn sàng cho giai đoạn hồi phục, phát triển là phương châm của nhiều doanh nghiệp dù trong bối cảnh khó khăn. Khi người lao động được quan tâm thì đáp lại họ cũng sẽ cảm thông, sẻ chia với những khó khăn của doanh nghiệp, ngay cả khi không có hoặc thưởng Tết rất ít.
Sắp tới Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” năm 2024. Tại chương trình này, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 350 đoàn viên khó khăn với số tiền 1 triệu đồng/người (gồm tiền mặt, quà và tiền mua vé tàu xe).
Tại chương trình tiếp tục có một số gian hàng “0 đồng” và gian hàng giảm giá phục vụ cho đoàn viên, người lao động. Với phương châm “Tất cả người lao động đều có Tết”, Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu các cấp công đoàn tập trung chăm lo Tết cho người lao động với nhiều hình thức. Đối tượng chăm lo là đoàn viên khó khăn, ưu tiên những đoàn viên, người lao động bị cắt giảm giờ làm, giãn, thiếu việc làm. Đối với đơn vị có nguồn xã hội hóa có thể chủ động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhiều hơn 10% tổng số đoàn viên mà đơn vị đang quản lý.
Có thể bạn quan tâm