Hải Dương: Nỗ lực xây dựng công nhân số, giỏi công nghệ để tăng sức cạnh tranh

TRUNG THÀNH 02/05/2023 00:06

Trong cuộc cách mạng 4.0 đổi mới công nghệ rất cần thiết giúp doanh nghiệp bứt phá. Trong hành trình đó, doanh nghiệp Hải Dương đã xây dựng những công nhân số đáp ứng nhu cầu sản xuất.

>>>Hải Dương: Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số cơ sở

Thích ứng công nghệ...

Ford Hải Dương là một trong những nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên ở Việt Nam. Với chỉ tiêu toàn cầu hoá hoạt động chế tạo, sản xuất ô tô và phát triển sản phẩm, Ford đã đưa vàp áp dụng tại Việt Nam những công nghệ thuộc đẳng cấp thế giới, được thiết kế để đảm bảo sản xuất ra xe có chất lượng cao nhất và đạt tiêu chuẩn quốc tế. For đạt các chứng chỉ chất lượng ISO 9001, ISO 14001 & QS 9000 và ISO/TS16949-2002… Đây cũng là một trong các nhà máy trọng điểm của Ford Motor ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, hơn 1.000 cán bộ, công nhân của nhà máy phải thích ứng với những công nghệ, quy trình sản xuất mới ngày càng tiên tiến và hiện đại.

Theo anh Nguyễn Quang Hùng - công nhân Nhà máy Ford Hải Dương (Tập đoàn Ford Motor) chia sẻ: Mỗi công đoạn trong quá trình sản xuất một chiếc xe ô tô Ford chỉ mất 7 phút. Nếu chúng tôi không nắm được quy trình, kỹ thuật và thạo công nghệ thì không thể đáp ứng được yêu cầu này”, như vậy khi chúng tôi đề cập đến những thay đổi của công nhân nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.

Công nhân của Nhà máy Ford Hải Dương phải luôn thích ứng với những công nghệ, quy trình sản xuất mới ngày càng tiên tiến và hiện đạip/(ảnh báo Hải Dương)

Công nhân của Nhà máy Ford Hải Dương phải luôn thích ứng với những công nghệ, quy trình sản xuất mới ngày càng tiên tiến và hiện đại (ảnh báo Hải Dương)

Theo bà Trần Thị Vượng - đại diện Công ty TNHH May Tinh Lợi Việt Nam ở khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành), cho rằng những chuyển động của công nghệ khiến người lao động không thể trì trệ mà phải thay đổi để phù hợp. Trong ngành may mặc, công nghệ ngày càng hiện đại và có thể thay thế nhiều công đoạn sản xuất thủ công. Khi công nghệ thay đổi, doanh nghiệp chủ động đào tạo, nâng cao trình độ cho công nhân. Bản thân mỗi lao động cũng phải tự học hỏi, nâng cao tay nghề. “Các nhà máy của Công ty TNHH May Tinh Lợi hiện có gần 15% số lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Trong đó có rất nhiều công nhân ham học hỏi và sử dụng công nghệ thành thạo nên đã nắm giữ những vị trí quan trọng”, bà Vượng khẳng định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung giai đoạn 10 năm (từ 2007-2016), Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (tăng bình quân hơn 4%/năm) nhưng từ năm 2017-2022, năng suất lao động của nước ta đang chậm dần đều và đang ở top cuối trong khu vực.
Nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ đang dần mất ưu thế. Nguồn nhân lực với kỹ năng và khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại đang là chìa khóa quan trọng để giải bài toán năng suất lao động ở các doanh nghiệp của Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung hiện nay.

Tập trung tăng cường phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề

Để có những công nhân số, kỹ năng nghề tốt thì công tác đào tạo chuyên sâu tại các trường nghề và nâng cao kỹ năng thường xuyên ở các doanh nghiệp rất quan trọng.

Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực có các kỹ năng chuyên ngành cộng với các kỹ năng "mềm" để thích ứng với thị trường lao động, tháng 5.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Nhiều nhận định xác đáng về nguồn nhân lực với những kỹ năng nghề đã được nêu lên như: hiện nay quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề để mỗi lao động phát huy cao nhất khả năng của mình là điều rất cần thiết đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp (ảnh báo Hải Dương)

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề để mỗi lao động phát huy cao nhất khả năng của mình là điều rất cần thiết đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp (ảnh báo Hải Dương)

Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho các địa phương, các ngành là cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Ông Vũ Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương nhận định, đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp phải đi trước một bước. Chương trình đào tạo luôn phải gắn với nhu cầu của xã hội. Hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, nhà trường đã đầu tư nhiều thiết bị, máy móc thực hành hiện đại. Các khoa thường xuyên khảo sát, đánh giá những đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất của doanh nghiệp để phối hợp đào tạo những kĩ sư, công nhân có thể bắt nhịp được với công việc ngay mà không phải đào tạo lại. Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và giáo dục kỹ năng, tác phong lao động công nghiệp cho học viên. 

Trước khi quyết định đầu tư hàng chục tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất mới, lãnh đạo Công ty TNHH Prettl Việt Nam, ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) rất lo lắng. Lo vì dây chuyền hiện đại, chi phí lớn, người lao động khó đáp ứng được ngay. Để giải bài toán này, doanh nghiệp đã đưa hàng chục công nhân, kĩ sư đi đào tạo, tập huấn ở trong và ngoài nước. Doanh nghiệp cũng “trải thảm đỏ” để đón những lao động mới có tay nghề, trình độ, quen với công nghệ được học bài bản ở các trường nghề về làm việc và được nhận mức lương cao.

Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc điều hành vùng châu Á - Thái Bình Dương công ty này cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thì người lao động là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp vượt khó. "Hiện nay, doanh nghiệp không chỉ muốn có những công nhân gắn bó, yêu nghề mà còn cần những người hiểu biết công nghệ để khi đổi mới dây chuyền sản xuất không bỡ ngỡ và tụt hậu. Thành bại tại nhân" – ông Ngọc Anh nói.

“Nếu chuyển đổi số chỉ đơn thuần là các chính sách mà quên đi vấn đề nhân lực, lao động thì không khác nào cơn gió đi vào nhà trống” (ảnh minh họa - internet)

“Nếu chuyển đổi số chỉ đơn thuần là các chính sách mà quên đi vấn đề nhân lực, lao động thì không khác nào cơn gió đi vào nhà trống” (ảnh minh họa - internet)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng lấy ví dụ “Nếu chuyển đổi số chỉ đơn thuần là các chính sách mà quên đi vấn đề nhân lực, lao động thì không khác nào cơn gió đi vào nhà trống” trong buổi đối thoại với công nhân, người lao động vào tháng 6/2022 để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ cho người lao động.

Những công nhân số sẽ giúp doanh nghiệp đi nhanh và phát triển bền vững hơn. Nếu mỗi doanh nghiệp là một chuyến tàu chuyển đổi số thì người lao động cũng không được phép bỏ lỡ.  

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số cơ sở

    Hải Dương: Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số cơ sở

    00:30, 27/04/2023

  • Nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ được triển khai tại Hải Dương

    Nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ được triển khai tại Hải Dương

    01:00, 25/04/2023

  • Hải Dương cải thiện chỉ số PCI như thế nào?

    Hải Dương cải thiện chỉ số PCI như thế nào?

    00:57, 24/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Dương: Nỗ lực xây dựng công nhân số, giỏi công nghệ để tăng sức cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO