Hải Dương: Sản xuất công nghiệp vẫn nhiều khó khăn

TRUNG THÀNH 01/11/2023 01:13

Thời gian qua, sản xuất công nghiệp tại Hải Dương có chuyển biến, nhưng còn chậm. Các doanh nghiệp phải chịu tác động của lạm phát, nguyên vật liệu đầu vào, nên vẫn phải hoạt động cầm chừng.

>>>Hải Dương: Doanh nghiệp Nhật Bản tận dụng các thế mạnh phát triển bền vững

Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Hải Dương trong tháng 10 giảm 0,3% so với tháng trước nhưng tăng 7,3% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành tỷ trọng lớn, có chỉ số tăng cao tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành. Đó là sản xuất xe có động cơ tăng 21,8%; sản xuất, phân phối điện tăng 17%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 9,7%; sản xuất sản phẩm điện tử tăng 3,6%...

Tuy nhiên, một số ngành vẫn duy trì mức tăng trưởng âm do ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế. Ngành sản xuất thiết bị điện giảm 30,5%; sản xuất than cốc giảm 17,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 5,9%; may mặc giảm 5%; sản xuất giày dép giảm 3,3%; sản xuất kim loại giảm 0,5%, xuất đồ chơi giảm 1,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm khiến Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 10 này chỉ tăng 0,4% so với tháng trước.

Trong tháng 10 giảm 0,3% so với tháng trước nhưng tăng 7,3% so với tháng 10/2022 (Ảnh minh họa)

Trong tháng 10 chỉ số công nghiệp giảm 0,3% so với tháng trước nhưng tăng 7,3% so với tháng 10/2022 (Ảnh minh họa)

Cũng theo cập nhật của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại thời điểm 01/5/2023 dự ước bằng 100,6% so với tháng trước, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, số lượng lao động bằng 96,4%.

Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động giảm là do một số ngành sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép, sản xuất đồ chơi phải cắt giảm lao động do sự thiếu hụt đơn hàng. Một số doanh nghiệp không có việc làm buộc phải cho lao động nghỉ phép luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Trong đó, một số ngành có lượng lao động 5 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ là khai khoáng khác bằng 42,3%; sản xuất trang phục bằng 88,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan bằng 98,5%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ bằng 78,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy bằng 98%; sản xuất than cốc bằng 82%; sản xuất thiết bị điện bằng 77,5%...

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động 5 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 103,5%; sản xuất đồ uống bằng 101,7%; dệt bằng 105,8%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất bằng 101%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 102,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 104,4%; sản xuất xe có động cơ bằng 107,7%...

Công nhân Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Kim Dương Việt Nam sản xuất các mặt hàng nhựa cao cấp xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ (Ảnh: Báo Hải Dương)

Công nhân Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Kim Dương Việt Nam sản xuất các mặt hàng nhựa cao cấp xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ (Ảnh: Báo Hải Dương)

Theo Sở Công thương: Thời gian qua, sản xuất công nghiệp của Hải Dương có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm trong. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phát triển Sở đã chủ động phối hợp các cấp, ngành tăng cường hỗ trợ cho các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư triển khai thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc kịp thời cho các nhà đầu tư cũng như tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Thường xuyên cập nhật, niêm yết công khai thủ tục hành chính, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính,… tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cũng như trên trang thông tin điện tử của ngành. Qua đó, tạo dựng và củng cố lòng tin để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh tại Hải Dương.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương cũng còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nhiều ngành sản xuất tăng trưởng nhưng không đồng đều, phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài và khu vực FDI. Trong khi đó, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nội chưa được như kỳ vọng do thiếu vốn, thiếu công nghệ và lao động có tay nghề; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp.

Khu vực sản xuất công nghiệp thiếu những nhân tố gây đột phá, có thể tạo điểm nhấn tăng trưởng. “Vì vậy, các ban ngành cần chung tay khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần đưa ngành công nghiệp của Hải Dương tiếp tục phát triển ổn định và bền vững

Trong thời gian tới, Sở sẽ thực hiện các cơ chế, chính sách mới, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực Công Thương; rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp trong tỉnh để tham mưu tháo gỡ; phối hợp phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, nắm sát nhu cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá cả hàng hóa giúp các doanh nghiệp, cá nhân nắm bắt nhanh diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp; phối hợp các ngành từng bước hình thành chuỗi kết nối sản xuất – tiêu thụ theo cơ chế thị trường. Trong đó, tập trung xúc tiến thương mại các nhóm hàng chế biến nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghệ thông tin, làng nghề…

Theo lãnh đạo TP Chí Linh chia sẻ, ngành công nghiệp được xem là thế mạnh của Chí Linh bởi đây là điểm kết nối chuỗi đô thị trong hành lang kinh tế công nghiệp đô thị liên vùng Bắc Ninh – Quảng Ninh. Mặc dù lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế của địa phương, song Chí Linh vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hiện đại. Tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích đất công nghiệp còn thấp. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và các cụm công nghiệp xuất khẩu ra thị trường chủ yếu là các sản phẩm may mặc, vật liệu xây dựng, gia công, lắp ráp một số linh kiện điện tử giản đơn; thu nhập của công nhân chưa cao…

Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa)

Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa)

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thời gian qua Hải Dương cấp giấy phép lao động cho gần 700 chuyên gia, lao động nước ngoài. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 10, ban đã chấp thuận 639 vị trí công việc tương ứng với 698 người lao động nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp ở Hải Dương.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp mới 330 giấy phép lao động, cấp lại 46 giấy phép và gia hạn 272 giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài. Tiếp nhận báo cáo của các doanh nghiệp về 37 lao động người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động... 100% thủ tục hành chính liên quan đến quản lý lao động được giải quyết trước và đúng thời gian quy định.

Thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã nỗ lực rút ngắn 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép và gia hạn giấy phép lao động cho lao động nước ngoài. Hầu hết các thủ tục này hiện đều được thực hiện trên không gian mạng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Khơi thông điểm nghẽn, gọi 'đại bàng' trong lĩnh vực công nghệ cao về làm tổ

    Hải Dương: Khơi thông điểm nghẽn, gọi 'đại bàng' trong lĩnh vực công nghệ cao về làm tổ

    01:42, 30/10/2023

  • Hai tập đoàn Đài Loan muốn rót hơn 4.000 tỷ vào Hải Dương

    Hai tập đoàn Đài Loan muốn rót hơn 4.000 tỷ vào Hải Dương

    14:40, 27/10/2023

  • Hải Dương: Sẽ xây dựng 2 cầu ra khu Đảo Ngọc

    Hải Dương: Sẽ xây dựng 2 cầu ra khu Đảo Ngọc

    05:00, 27/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Dương: Sản xuất công nghiệp vẫn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO