Tỉnh Hải Dương đã và đang chủ động đề ra nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai trong PCI, tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho nhà đầu tư.
“Thăng hạng” chỉ số Tiếp cận đất đai
Chỉ số Tiếp cận đất đai là một trong 10 chỉ số thành phần đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thể hiện việc tiếp cận đất đai có dễ hay không và tính ổn định trong quá trình sử dụng đất.
Đây là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh với 14 chỉ tiêu thành phần được đặt ra như: Doanh nghiệp tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh; Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; Các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian; Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục…
Năm 2023, Chỉ số Tiếp cận đất đai của Hải Dương đạt 7,26 điểm, giảm 0,09 điểm so với năm 2022, nhưng điểm trung vị đạt cao, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố (thuộc nhóm Tốt), tăng 7 bậc.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, nguyên nhân khiến các tiêu chí trên tụt hạng là do chính sách, pháp luật về đất đai thay đổi nhiều qua các thời kỳ, nguồn gốc đất do lịch sử để lại phức tạp, công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Cùng với đó, cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của tỉnh thiếu, trong khi khối lượng công việc khá lớn cũng là một nguyên nhân.
Do đó, Hải Dương luôn xác định mặt bằng là yếu tố tiên quyết để các nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng, đón sóng đầu tư, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để đạt được, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao Chỉ số Tiếp cận đất đai. Trong đó, Sở sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đất đai, bao gồm rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục chuyển nhượng, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cùng với đó, công khai và minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất còn trống, giá đất và các quy định liên quan, giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đất đai.
Sở tiếp tục phát triển các hệ thống quản lý đất đai điện tử, như hệ thống thông tin đất đai trực tuyến, cho phép tra cứu và thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai qua mạng, giúp giảm bớt tình trạng chậm trễ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; Thúc đẩy phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan trong việc giải quyết các vướng mắc về đất đai, đặc biệt trong công tác GPMB và các dự án có nhu cầu sử dụng diện tích lớn; Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong quá trình tìm kiếm quỹ đất phù hợp và tiếp cận các dự án đất công.
Với những mục tiêu này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương hướng đến việc cải thiện đáng kể chỉ số Tiếp cận đất đai, từ đó thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh.
Hỗ trợ đẩy mạnh công tác GPMB
Trong những năm gần đây, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở, tỉnh Hải Dương đã là điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, bất động sản. Hàng loạt dự án quy mô lớn đã được triển khai thực hiện làm thay đổi bộ mặt của địa phương này. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Hải Dương, trong quá trình thực hiện, triển khai dự án, những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB là điều không thể tránh khỏi. Nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc khó khăn này để tạo động lực cho thu hút đầu tư, tỉnh Hải Dương luôn xác định GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng.
Dự án khu đô thị Bắc Cầu Hàn (giai đoạn 1) nằm trên địa bàn huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương hứa hẹn mang lại không gian đô thị mới cho tỉnh Hải Dương. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 làm chủ đầu tư. Ông Đặng Long Diệp – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 (Licogi 18) cho biết, dự án có quy mô 85,25 ha, là một khu đô thị phức hợp góp phần phát triển nền kinh tế cũng như tạo điều kiện đô thị hóa cho toàn khu vực thành phố Hải Dương. Trong tương lai hứa hẹn cũng sẽ là nơi có được sự quan tâm của đa số khách hàng và cư dân sinh sống tại đây. Đến tháng 10/2022, dự án đã được tỉnh Hải Dương bàn giao 100% mặt bằng cho doanh ghiệp thực hiện triển khai hạ tầng.
Ông Đặng Long Diệp đánh giá, công tác GPMB của tỉnh Hải Dương luôn được các lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm bởi phương châm nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Mặc dù còn một số vướng mắc liên quan đến dự án, tuy nhiên trong các cuộc họp, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết, khó ở đâu gỡ ở đó. Các địa phương phải thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách trong GPMB; Thực hiện nghiêm ngặt quản lý đất đai để ngăn chặn những vướng mắc phát sinh trong GPMB.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Đình Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương, chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Lai Cách (huyện Cẩm Giàng) cho rằng, trong công tác GPMB, sự hăng hái vào cuộc của cán bộ, công chức đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp. Dự án khu công nghiệp Lai Cách có quy mô 135ha, đến nay đã GPMB xong 100ha. Với sự chung tay, quyết liệt của UBND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cẩm Giàng, trong thời gian tới, doanh nghiệp tin tưởng rằng sẽ được bàn giao 35ha còn lại để tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng của dự án.