Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Phát triển công nghiệp, dịch vụ song hành với ngành nông nghiệp, coi nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, là bệ đỡ của nền kinh tế.
>>>Hải Dương: Tăng cường quản lý và xử lý vi phạm công trình thủy lợi
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Trần Đức Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình, kết quả năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tại buổi làm việc Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đánh giá cao những thành tựu của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Những năm vừa qua tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp khá cao dù trong bối cảnh hằng năm diện tích sản xuất nông nghiệp giảm dần.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tỉnh Hải Dương hiện còn một lực lượng lao động rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, đa phần đất đai của tỉnh vẫn đang phục vụ nông nghiệp nhưng giá trị mang lại chưa tương xứng. Sản phẩm xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu là sản phẩm tươi, chưa phải là sản phẩm qua chế biến sâu để phát huy tối đa giá trị sản phẩm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh cả năm 108.325 ha, vượt 0,8% kế hoạch. Năng suất lúa bình quân cả năm 63,48 tạ/ha, cao hơn 0,26 tạ/ha so với năm 2022. Sản lượng lúa toàn tỉnh đạt 687.700 tấn, vượt 3,6% kế hoạch, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh mà còn cung ứng ra ngoài tỉnh.
Giá trị sản xuất cây vụ đông đạt 223,5 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc. Hiện toàn tỉnh có 21.500 ha cây ăn quả, sản lượng đạt khoảng 285.000 tấn. Trong đó gần 50% sản lượng được tiêu thụ trong nước, trên 50% xuất khẩu.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu ngành nông nghiệp cần tập trung để khai thác tối đa dư địa trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chế biến... để đạt đến mục tiêu nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn.
Đồng thời, Bí thư Trần Đức Thắng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chủ động báo cáo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc phối hợp giữa các sở để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ.
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ nhanh hơn những vấn đề khó khăn như tích tụ ruộng đất, nâng cao hệ số quay vòng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng đặc biệt là chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân nêu đề xuất thành lập cụm công nghiệp chuyên về chế biến nông sản và có cơ chế ưu tiên, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp có cam kết cụ thể về chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.
Cùng với đó, lãnh đạo một số sở, ngành đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã nông nghiệp, tăng cường hỗ trợ nông dân để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng; đề nghị tỉnh quan tâm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến.
Trước đó, để phát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, đề án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như phê duyệt Đề án "Phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020" và Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; đồng thời, tỉnh Hải Dương cũng ban hành chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương…
Có thể bạn quan tâm