Mặc dù đã nửa quý IV, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn chậm.
Vì sao chậm?
Đầu tư công có vai trò trong thúc đẩy đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, đến nay việc giải ngân nguồn vốn này của Hải Dương bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, làm ảnh hưởng đến phát triền kinh tế - xã hội.
Huyện Thanh Hà là địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm nhất tỉnh Hải Dương. Năm 2024, tổng vốn ngân sách được giao cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã là 308,739 tỷ đồng, đến hết ngày 11/11, huyện mới giải ngân được 16,528 tỷ đồng, bằng 5,35%.
Theo UBND huyện Thanh Hà, vốn ngân sách tỉnh giao đầu năm 2024 và bổ sung mục tiêu trong năm 2024 đến trung tuần tháng 11 là 149,06 tỷ đồng đầu tư 8 dự án. Đó là 4 dự án xây dựng trụ sở làm việc công an cấp xã, 3 dự án xây dựng bổ sung nhà, lớp học và 1 dự án cải tạo đường giao thông. Đến nay, chưa dự án nào được giải ngân.
Vốn ngân sách huyện được giao đầu năm 152,179 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung 19,679 tỷ đồng, số còn lại là nguồn thu tiền sử dụng đất. Các dự án tập trung vào xây dựng, mở rộng đường giao thông, nhà lớp học. Đến ngày 19/11, huyện mới giải ngân 12,688 tỷ đồng, đạt 8,3%. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công cấp xã đã được giao 7,5 tỷ đồng. Huyện đã giải ngân 3,84 tỷ đồng, đạt 51,2%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới giải ngân chậm do huyện chậm giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai thi công. Một số dự án xây trụ sở công an cấp xã mới được cấp vốn đầu tháng 11. Trong năm 2024, huyện luân chuyển nhiều cán bộ liên quan lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính...
Huyện Thanh Hà hiện có 8 dự án có vốn bổ sung của tỉnh, 23 dự án vốn ngân sách cấp huyện. Các dự án tập trung cải tạo, mở rộng tuyến đường tỉnh, xây dựng trụ sở công an cấp xã và làm đường giao thông kết nối các xã, xây dựng nhà, lớp học.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, đến giữa hết tháng 9/2024 toàn tỉnh mới giải ngân được gần 2.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 27,3% tổng vốn thanh toán và 33,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. So với trung bình chung cả nước, giải ngân vốn đầu tư công của Hải Dương đến thời điểm này vẫn rất thấp.
Việc giải ngân vốn đầu tư công của Hải Dương vẫn thấp do nhiều yếu tố, bao gồm cả chủ quan và khách quan, trong đó có sự thiếu chủ động phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án và năng lực của một số nhà thầu thi công còn thấp… Đặc biệt, nổi cộm là những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trong đó theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh có 25 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Trong đó, TP. Chí Linh và huyện Thanh Hà mỗi nơi liên quan đến 5 dự án. Thị xã Kinh Môn liên quan 4 dự án, các huyện Thanh Miện và Nam Sách mỗi địa phương liên quan 3 dự án. Các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Kim Thành, Tứ Kỳ mỗi nơi liên quan 2 dự án và huyện Gia Lộc liên quan 1 dự án.
Những khó khăn về giải phóng mặt bằng chủ yếu do công tác di dời, hoàn trả công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đo đạc, lập bản đồ địa chính; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nhiều thay đổi…
Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, từ nay đến hết niên độ ngân sách năm 2024, huyện Thanh Hà tập trung tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng. Huyện đôn đốc các chủ đầu tư làm việc cụ thể với đơn vị thi công xây dựng để đẩy nhanh tiến độ, khi có khối lượng hoàn thành khẩn trương tổ chức nghiệm thu và thanh toán.
Quyết tâm tăng tốc
Quyết tâm thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch giao năm 2024, Hải Dương đang tận dụng giai đoạn 'nước rút' cuối năm để tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình.
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc điều hành dự án Dự án Đầu tư xây dựng cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn với nút giao lập thể nối quốc lộ 5 thuộc huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn cho biết: Dự án được khởi công từ ngày 15/10 vừa qua. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, liên danh nhà thầu đã huy động tối đa phương tiện, nhân lực, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Hiện đơn vị thi công triển khai làm nền đường, xử lý đất yếu và bắt đầu thi công cọc khoan nhồi. Mặc dù theo quy định, nhà thầu có 1 tháng chuẩn bị các điều kiện nhằm bảo đảm thi công thuận lợi, nhưng để sớm có khối lượng giải ngân, đơn vị thi công đã nhanh chóng bố trí nên rút ngắn được 15 ngày. Dự kiến đến hết năm 2024, liên danh nhà thầu thực hiện được khoảng 30% khối lượng công việc.
Theo ông Huệ cho biết, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, các nhà thầu gấp rút hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán. Khối lượng công việc tới đâu sẽ bảo đảm giải ngân tới đó.
Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 391 qua huyện Tứ Kỳ cũng đang được thi công rốt ráo. Hiện nhà thầu đã làm xong 3 trong số 3,6 km nền đường và đang gấp rút hoàn thiện đoạn cuối tuyến.
Đại diện đơn vị thi công cho biết nếu sớm được bàn giao mặt bằng còn lại, đến cuối tháng 11 này dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Dự án có tổng kinh phí xây lắp hơn 110 tỷ đồng. Trong đó, vốn cấp năm 2024 là gần 53 tỷ đồng. Với tình hình thi công hiện tại sẽ bảo đảm giải ngân hết vốn cấp.
Ông Phạm Đăng Hảo, phụ trách công trình cầu của Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Ban được giao hơn 3.900 tỷ đồng để thực hiện 57 dự án, công trình. 10 tháng năm 2024, đơn vị giải ngân ước đạt 1.500 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch vốn giao đầu năm và đạt 37% kế hoạch vốn cấp. Để bảo đảm mục tiêu giải ngân, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát các dự án công trình đang triển khai thi công. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, rút ngắn thời gian thẩm định để các dự án mới sớm được khởi công.
Nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc và động viên tinh thần cán bộ, chuyên viên nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, Ban Quản lý đã phát động phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Hải Dương là hơn 8.400 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo số liệu của Sở Tài chính, ước luỹ kế thanh toán vốn đến hết tháng 10 của tỉnh gần 3.300 tỷ đồng, đạt gần 40% so với kế hoạch vốn giao.
Vì vậy, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 trong thời gian tới rất áp lực, nặng nề. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm tính khả thi trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác làm nhiệm vụ rà soát, tổng hợp, đánh giá việc triển khai các dự án, trong đó có dự án đầu tư công để đẩy nhanh việc thực hiện, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
UBND tỉnh Hải Dương đề ra những giải pháp trọng tâm nhằm quyết liệt chỉ đạo, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95%. Giải pháp tập trung vào việc rút ngắn thủ tục hành chính về đầu tư công, đánh giá tình hình triển khai dự án, khả năng hấp thụ nguồn vốn để có điều chỉnh, bổ sung vốn phù hợp, bảo đảm giải ngân hết vốn giao.