Hải Phòng: Chú trọng phát triển hạ tầng logistics

HẢI NGÂN 02/06/2024 01:15

Để trở thành trung tâm dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực trong tương lai, TP Hải Phòng đang triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics.

>>>Hải Phòng sẽ di dời loạt nhà máy sản xuất thép

>>>DIỄN ĐÀN LOGISTICS VÙNG: Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố để trở thành đầu mối logistics quan trọng

Theo quy hoạch, mạng lưới logistics Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700-2.000 ha

Theo quy hoạch, mạng lưới logistics Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700-2.000 ha

Còn những trở ngại

Theo quy hoạch, mạng lưới logistics Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700-2.000 ha và đến năm 2040 khoảng 2.200- 2.500 ha, gồm trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính.

Tuy nhiên hiện nay, theo ý kiến của các chuyên gia, ngành logistics của Hải Phòng đang tồn tại một số vấn đề như dịch vụ logistics phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố; chi phí logistics còn cao do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; công nghệ thông tin hạn chế… Đây là những trở ngại trên con đường trở thành trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tầm cỡ quốc gia và khu vực của Hải Phòng.

Ông Lê Mạnh Cương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho biết: “Các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng khoảng 3 năm trở lại đây đã rất tích cực cùng với các ban, bộ, ngành xây dựng lộ trình chuyển đổi số. Tuy nhiên cũng gặp một số khó khăn. Đó là việc thay đổi cách làm, tư duy, suy nghĩ của doanh nghiệp về chuyển đổi số chưa được rõ ràng, thậm chí là chưa biết làm từ đâu. Tiếp đó là khó khăn về việc áp dụng công nghệ khoa học vào chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ví dụ, về đầu tư chi phí cho một phần mềm quản lý đối với một doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn có sự đồng hành của các ban, bộ, ngành tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp nhận lộ trình chuyển đổi số để chúng tôi phát triển”.

Các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động cảng biển

Các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động cảng biển

Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Tố Loan – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho rằng: “Vấn đề quan trọng trước khi quyết định chuyển đổi số, đặc biệt là ở quy mô doanh nghiệp là bảo mật an toàn thông tin. Đây cũng là một yếu tố hiện nay đang nhận được rất ít sự quan tâm của doanh nghiệp cũng như chính quyền. Thực tế trong quá trình triển khai, trên nền tảng số không chỉ có thông tin về doanh nghiệp, chủ sở hữu của hệ thống mạng mà toàn bộ hệ thống thông tin của đối tác, khách hàng và những người liên quan đều nằm ở hệ thống của chúng ta. Trong nửa đầu năm 2024, Tập đoàn Sao Đỏ đã cùng với đối tác của mình là Trung tâm đổi mới sáng tạo và an toàn thông tin đại học RMIT cũng như chính phủ Úc có những chương trình đào tạo miễn phí cho toàn bộ các doanh nghiệp ở trong KCN và một số đối tác về vấn đề an toàn thông tin, đào tạo về đại sứ an toàn thông tin, những người lãnh đạo an toàn thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp quản lý tốt hơn vấn đề rủi ro về an toàn thông tin trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được rất hạn chế sự tham gian, quan tâm của các doanh nghiệp”.

Thúc đẩy hoạt động logistics

Thực tế, logistics dần đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng. Theo UBND TP Hải Phòng, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên địa bàn đạt khoảng 20 - 23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố đạt từ 13 - 15%. Như vậy, tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân hằng năm cao gấp đôi so với tăng trưởng GRDP.

Để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động logistics trên địa bàn TP Hải Phòng, theo các chuyên gia nhận định, TP Hải Phòng cần quy hoạch hệ thống trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại, làm nền tảng, cơ sở phát triển hệ thống dịch vụ logistics toàn thành phố; gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, hệ thống giao thông, sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội khác của Hải Phòng và khu vực Bắc bộ.

Cùng với đó, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp dịch vụ logistics trong và ngoài nước đến với TP Hải Phòng bằng chính sách hấp dẫn. Đồng thời, khuyến khích các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang hoạt động hiệu quả tiếp tục phát triển, tăng tính cạnh tranh và sự chuyên nghiệp; gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu là thế mạnh của thành phố, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin, hỗ trợ đắc lực quá trình hình thành và hoạt động hệ thống trung tâm logistics…

Các phương tiện vào làm hàng tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ – Cảng Hải Phòng

Các phương tiện vào làm hàng tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ – Cảng Hải Phòng

Đặc biệt, TP Hải Phòng cần đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư như hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh, đường ven biển kết nối Nam Định, Thái Bình, sân bay Cát Bi, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình hạ tầng kết nối liên vùng… mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm, để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng lĩnh vực logistics nói riêng, kinh tế- xã hội nói chung.

Theo ông Phan Nguyễn Hải Hà - Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay Cục Hàng hải Việt Nam đang triển khai lập Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (bao gồm cảng biển Hải Phòng trong Nhóm cảng biển số 1). Quá trình lập các quy hoạch nêu trên, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2024 để báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cũng theo ông Hà, bên cạnh kết cấu hạ tầng cảng biển thì cũng cần phải phát triển các vấn đề liên quan đến điện tử hóa công nghệ trong giám sát của Hải quan, thông quan điện tử, gắn thiết bị hành trình trên các phương tiện vận chuyển… hay việc chia sẻ thông tin là hết sức cần thiết để kết nối chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tạo điều kiện giảm thiểu thời gian, để các nhà sản xuất thúc đẩy hoạt động giao thương ở TP Hải Phòng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương Hải Phòng đã đề xuất xây dựng 3 đề án chuyển đổi số: Tạo lập cơ sở dữ liệu ngành logistics; Sàn giao dịch trực tuyến logistics và Chuyển đổi số liên ngành logistics. 3 đề án trên sẽ là bước đầu để chia sẻ dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Trước đó, tại Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ 5 với chủ đề: "Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Hải Phòng chỉ đạo; Sở Công Thương Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) đồng tổ chức, nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện hiệp hội logistics đã đưa ra những đánh giá độc lập, nhiều chiều về định hướng phát triển logistics của Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung cũng như TP Hải Phòng nói riêng.

Được biết, TP Hải Phòng đang tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư theo hướng phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: công nghiệp - công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Hiện địa phương này có 1 KKT Đình Vũ - Cát Hải và 14 KCN, tạo nên tiềm năng, lợi thế kết nối logistics từ hệ thống cảng biển, cảng hàng không và hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện để các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu. Cùng với đó, TP Hải Phòng cũng phát triển 5 khu bến với 98 cầu bến các loại, trong đó có 52 bến cảng thuộc hệ thống các cảng biển Việt Nam với tổng chiều dài là hơn 14 km cùng 8 đoạn luồng hàng hải chính. Ngoài ra, TP Hải Phòng còn có hệ thống kho, bãi phục vụ dịch vụ logistics đạt hơn 700 ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính…

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng sẽ di dời loạt nhà máy sản xuất thép

    Hải Phòng sẽ di dời loạt nhà máy sản xuất thép

    00:03, 31/05/2024

  • Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics Hải Phòng

    Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics Hải Phòng

    15:37, 30/05/2024

  • DIỄN ĐÀN LOGISTICS VÙNG: Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố để trở thành đầu mối logistics quan trọng

    DIỄN ĐÀN LOGISTICS VÙNG: Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố để trở thành đầu mối logistics quan trọng

    13:00, 30/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Chú trọng phát triển hạ tầng logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO