Hải Phòng liên tục lập kỷ lục mới trong thu hút nguồn vốn FDI, nhất là thu hút vốn FDI vào các KCN.
Theo ông Bùi Ngọc Hải - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng: Với việc chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giai đoạn 2009- 2023, Hải Phòng thu hút 26,4 tỷ USD vốn FDI; tạo việc làm cho 200.000 lao động.
Ông Bùi Ngọc Hải cho biết: 9 tháng năm 2024, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) của Hải Phòng thu hút 58 dự án với tổng vốn thu hút đầu tư đạt 1,43 tỷ USD. Lũy kế đến tháng 9/2024, các KCN, KKT thu hút 574 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư ước đạt 27,4 tỷ USD; thu hút 228 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư ước đạt 320.500 tỷ đồng (tương đương 13,7 tỷ USD).
- Thực tế cho thấy, những năm gần đây, doanh nghiệp FDI chính là một trong những động lực phát triển quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố Hải Phòng, thưa ông?
Hải Phòng liên tục lập kỷ lục mới trong thu hút nguồn vốn FDI, nhất là thu hút vốn FDI vào các KCN. Liên tục 12 năm liền, Hải Phòng nằm trong top 5 địa phương có thành tích tốt nhất về thu hút FDI. Giai đoạn 2019-2023, thu hút FDI của Hải Phòng đạt khoảng 13,2 tỷ USD, gấp 1,7 lần giai đoạn 2014-2018. Lũy kế đến nay, Hải Phòng có gần 1.000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 31 tỷ USD.
Quan trọng hơn, quy mô, chất lượng các dự án đầu tư FDI ngày càng tăng cao, chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và giảm dần các dự án thâm dụng lao động.
Dòng vốn FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Hải Phòng, hiện chiếm tỷ trọng khoảng 30 -50% tổng vốn đầu tư phát triển toàn thành phố mỗi năm. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trên tổng GRDP toàn thành phố tăng dần từng năm, từ 15% đến trên 26%. Khu vực FDI chiếm tỷ trọng tới 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng.
- Theo ông, đâu là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của Hải Phòng đối với các nhà đầu tư nước ngoài?
Các nhà đầu tư nước ngoài đều có những nhận xét, đánh giá rất tốt về môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng, nhất là vai trò, vị thế và sự phát triển vượt bậc, đồng bộ, hiện đại, tính kết nối cao về kết cấu hạ tầng của Hải Phòng.
Sự hiện diện của KKT Đình Vũ- Cát Hải và các KCN là yếu tố quan trọng nhất để Hải Phòng thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút vốn FDI, luôn nằm trong top đầu cả nước. Đến nay Hải Phòng có KKT Đình Vũ- Cát Hải với diện tích 22.540ha; 14 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 6.101.95 ha được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp 4028 ha và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 64,3%.
Đặc biệt, mỗi dự án FDI thu hút về Hải Phòng là kết quả của cả một quá trình với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và sự đồng thuận, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao, từ định hướng phát triển, quy hoạch, kêu gọi đầu tư hạ tầng KCN; giải phóng mặt bằng; thực hiện các dự án hạ tầng kết nối đến tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quảng bá hình ảnh Hải Phòng hấp dẫn, thân thiện…
Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2022 và 2023, Hải Phòng đều xếp vị trí thứ 3 cả nước và thứ 2/11 của vùng đồng bằng sông Hồng. Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX) luôn duy trì là 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư của Hải Phòng có sự đổi mới và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều năm liền, thành phố chọn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nội dung chủ yếu của chủ đề năm. Nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD được triển khai nhanh chóng; hàng loạt dự án tăng vốn, đầu tư mở rộng, nâng công suất tại các KCN Hải Phòng là kết quả của các chuyến xúc tiến đầu tư, gặp gỡ từng nhà đầu tư nước ngoài của lãnh đạo thành phố Hải Phòng…
- Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã hoàn thành việc xây dựng Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng và được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua, điều này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới thưa ông?
KKT ven biển phía Nam có diện tích khoảng 20.000ha, thuộc các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy, quận Đồ Sơn. Đây là một trong những giải pháp chủ yếu giúp Hải Phòng hoàn thành nhiệm vụ “trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á”.
KKT ven biển phía Nam Hải Phòng được thành lập có tuyến cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn (quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế và trung chuyển nội địa và quốc tế), sân bay quốc tế Tiên Lãng, 2 tuyến đường sắt (Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Nam Định – Hải Phòng – Quảng Ninh).
Việc thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng với những ưu đãi cao nhất để tạo sức cạnh tranh quốc tế, khai thác tiềm năng vượt trội để Hải Phòng là “trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Trong đó, nghiên cứu khu thương mại tự do với cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới”.
Hải Phòng định hướng phát triển KKT ven biển phía Nam Hải Phòng trên nguyên tắc bền vững; lấy con người làm trung tâm, là KKT sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại, là đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới; quan tâm giữ gìn giá trị văn hóa và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đến năm 2030, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế TP. Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của KKT Đình Vũ – Cát Hải năm 2023.
Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã hoàn thiện văn bản giải trình và Đề án kèm theo trình UBND thành phố, UBND thành phố đã có Văn bản số 2283/BKHĐT-XD5 ngày 17/10/2024 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng chính phủ theo quy định.
KKT có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các KKT lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng. Do đó, khi triển khai thực hiện, có thể tác động đến nhiều vấn đề, như: giải phóng mặt bằng, tái định cư, thay đổi cơ cấu việc làm… Vì vậy, rất cần sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị để thực hiện đồng bộ các giải pháp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tỷ trọng thu hút các dự án FDI vào Hải Phòng trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics càng ngày được nâng cao, đến nay, lũy kế đạt 85%.