Giai đoạn 2021-2030, TP Hải Phòng đề xuất TƯ 14 dự án ưu tiên đầu tư, phát triển nghề và làng nghề, với tổng ngân sách hơn 400 tỷ đồng.
Theo đó, ngân sách từ nguồn phân bổ TƯ là 10-20%, ngân sách địa phương và huy động các nguồn khác từ 80-90%.
Giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng ưu tiên các dự án bảo tồn 10 nghề và làng nghề: Nghề làm con giống thôn Nhân Mục; làng nghề trồng và chế biến cau Cao Nhân; làng nghề sản xuất mây tre đan xã Chính Mỹ; làng nghề mộc nội thất Kha Lâm, Làng nghề vận tải thủy An Lư; làng nghề khai thác, nuôi trồng và dịch vụ thủy sản Lập Lễ; nghề làm cốm rượu, bún xã Thiên Hương; nghề làm hương bài xã Kiền Bái; nghề làm bánh chưng xã Thủy Đường; nghề làm mộc (nhà gỗ) xã Thủy Triều.
Giai đoạn 2026-2030, sẽ ưu tiên bảo tồn và phát triển 3 làng nghề: Làng nghề sản xuất bánh đa Kinh Giao, xã Tân Tiến, huyện An Dương; làng nghề điêu khắc gỗ sơn mài Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo và làng nghề chiếu cói Lật Dương xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, thành phố hiện đang có 18 làng nghề và 1 nghề truyền thống (với khoảng hơn 500 doanh nghiệp hoạt động tại các làng nghề) được công nhận theo Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, 1 nghề truyền thống là nghề làm con giống (thôn Nhân Mục, xã Nhân Hòa, Vĩnh Bảo). Các nghề còn lại thuộc nhóm các ngành nghề: chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản (2 làng nghề); sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ (7 làng nghề); sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh (8 làng nghề); dịch vụ vận tải (1 làng nghề).
Tuy nhiên, ngoài một số làng nghề được đầu tư bài bản, có sản phẩm hướng tới phục vụ xuất khẩu, có quy hoạch cụm công nghiệp như làng nghề đúc đồng Mỹ Đồng (Thủy Nguyên) thì đa phần các làng nghề đều trong trạng thái hoạt động cầm chừng, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ít, khả năng duy động vốn hạn chế.
Nguyên nhân của việc các làng nghề không thể phát triển là do nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của một số làng nghề khó khăn như: gỗ, mây tre... Các cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ thiết bị mới; chưa đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nên khả năng cạnh tranh kém, năng suất thấp và thị trường tiêu thụ không ổn định… Một số nghề, làng có nghề lâu đời có nguy cơ mai một, thất truyền.
Đơn cử như làng nghề mộc Kha Lâm (Kiến An), 10 năm trước chỉ có các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay ngày càng có nhiều hộ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nhưng tình hình xem ra cũng không có nhiều tiến triển. Kha Lâm rất có nguy cơ phải xóa bỏ làng nghề nếu không được sự hỗ trợ vốn xây dựng xưởng mộc tập trung và hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ từ phía chính quyền và ngân hàng.
Theo Chủ tịch TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, hỗ trợ trực tiếp là giải pháp hiệu quả cho các nghề, làng nghề hiện đại hóa công nghệ, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm làng nghề, thực hiện chính sách mỗi làng một nghề, đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt trênt 15%/năm, thu hút lao động làm việc tại các làng nghề ...
Được biết, từ năm 2015, cùng với việc quy định xét công nhận nghề, làng nghề truyền thống. Hải Phòng cũng thực hiện hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân được công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống với mức hỗ trợ một lần cho tổ chức bằng 10 lần mức lương tối thiểu, hỗ trợ một lần cho cá nhân bằng 15 lần mức lương tối thiểu.
Có thể bạn quan tâm