Việc kê khai thuế, hoàn thuế GTGT, thay đổi mã số thuế, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế TNCN... đang là vấn đề được các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm liên quan đến việc thực hiện chính sách thuế mới.
>>Đề xuất nghiên cứu chính sách thuế điều tiết bất động sản
Doanh nghiệp còn lúng túng
Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế TP Hải Phòng cho biết: “Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 151 doanh nghiệp Hàn Quốc và 179 dự án đầu tư. Tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc là 11.15 tỷ USD trên tổng số vốn đăng ký đầu tư là 26,15 tỷ USD. Hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp Hàn Quốc đã đóng góp phần quan trọng vào thu ngân sách nội địa của thành phố trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2021 là 1.842 tỷ đồng (chiếm 5% trên tổng thu), năm 2022 là 2.623 tỷ (chiếm 6,8% trên tổng thu); 6 tháng đầu năm 2023 đã nộp 563 tỷ”.
Trong thời gian qua đã có nhiều chính sách thuế mới được ban hành. Việc thực hiện chính sách thuế mới không thể tránh khỏi những vướng mắc đối với doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ông Seog Myeong Gug – Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng cho biết: “Khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn là hiểu chính xác nội dung trong các chính sách thuế. Cùng với nội dung đó để chúng tôi có thể hiểu chính xác khi áp dụng vào từng trường hợp đã đúng hay chưa thì rất khó khăn".
Tại hội nghị đối thoại về chính sách thuế với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2023 do Cục Thuế TP Hải Phòng tổ chức, đã có trên 20 câu hỏi, ý kiến, vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc liên quan về việc kê khai thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thay đổi mã số thuế, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân (TNCN)... được đưa ra thảo luận.
Theo đại diện công ty TNHH Điện tử & Máy móc Steel Flower Hải Phòng: “Công ty chúng tôi xuất hoá đơn bán hàng tháng 5/2023 cho khách hàng. Đến tháng 6/2023, công ty xuất hoá đơn điều chỉnh, thay thế cho hoá đơn bán hàng đã xuất vào tháng 5/2023. Như vậy, công ty sẽ kê khai hoá đơn thay thế vào tờ khai tháng 6/2023 hay sẽ kê khai bổ sung tờ khai tháng 5/2023. Về thuế TNCN, công ty dự định mua máy móc thiết bị từ nhà cung cấp nước ngoài. Phía nhà cung cấp sẽ cử người đến Việt Nam để lắp ráp máy trong 2 tuần. Trường hợp này, công ty có cần thông báo với bên thuế không, nếu có thì thông qua văn bản nào. Và nếu đã thông báo với cục thuế thì công ty có phải đóng thuế TNCN cho các chuyên gia nước ngoài này không?”.
Còn theo đại diện công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng - một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc lớn tại Hải Phòng cho biết, liên quan đến hàng bán bị trả lại, theo quy định cũ tại Thông tư 39/2014/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, theo quy định mới là Nghị định 123/2020/NĐ-CP chưa hướng dẫn cụ thể cách xử lý trong trường hợp hàng bán trả lại.
>>Tác động và ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu
“Ngoài ra, công văn số 2121/TCT-CS ngày 29/5/2023 về việc lập hóa đơn thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Tổng cục Thuế có hướng dẫn: Trường hợp hàng hóa đã mua trước 01/01/2023 với thuế suất 8%, sau ngày 31/12/2022 người mua trả lại hàng hóa do không đúng quy cách, chất lượng thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập với thuế suất thuế GTGT 8%, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại. Theo công văn này khi khách hàng trả lại hàng bên bán phải lập hoá đơn điều chỉnh hoặc thay thế hoá đơn đã lập hoàn khác với quy định của Thông tư 39/2014/TT-BTC. Công ty muốn hỏi trường hợp hàng bị trả lại thì Công ty nên xử lý như thế nào để tuân thủ đúng quy định của luật”, Đại diện Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng đặt câu hỏi.
Đồng hành với doanh nghiệp
Ông Seog Myeong Gug chia sẻ: “Chúng tôi tham gia hội nghị đối thoại về chính sách thuế với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2023 do Cục Thuế TP Hải Phòng tổ chức với mong muốn tìm hiểu về những điểm mới trong chính sách thuế mới đang áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy rằng với một buổi đối thoại như thế này chưa thể giải đáp hết các vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc. Do vậy bên cạnh buổi đối thoại hôm nay, tôi mong muốn thời gian tới, Cục Thuế tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại chuyên sâu hơn về từng lĩnh vực thuế để chúng tôi có thể tiếp cận được kỹ hơn chính sách thuế thực hiện hiệu quả nghĩa vụ thuế đối với thành phố”.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn TP Hải Phòng có 883 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 26 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về cả số dự án và số vốn đầu tư. Tiêu biểu là các dự án thuộc tổ hợp LG với tổng vốn đầu tư đạt 7,24 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng vốn đầu tư FDI toàn thành phố. Trong thời gian qua, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, tuy nhiên, đầu tư của các đối tác Hàn Quốc tại TP Hải Phòng tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ với những dự án cấp mới và tăng vốn lớn.
Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết: “Để tăng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, TP Hải Phòng đã có nhiều chính sách cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bên cạnh đó, chú trọng việc kết nối giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI trên địa bàn. TP Hải Phòng cam kết luôn nỗ lực nhằm kiến tạo một môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc".
Còn theo ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế TP Hải Phòng: “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt chính sách thuế, đóng góp tích cực cho ngân sách thành phố. Cơ quan thuế cam kết tiếp tục sẽ là người bạn đồng hành, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục thuế khi tham gia đầu tư trên địa bàn thành phố. Đồng thời, mong muốn tiếp tục đón nhận sự quan tâm phối hợp kịp thời, hiệu quả của Hiệp Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng, sự phối kết hợp của các sở, ban, ngành thành phố trong công tác quản lý, cung cấp thông tin, chính sách thuế tới các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn. Từ đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới".
Có thể bạn quan tâm