Tốc độ tăng trưởng thu hút đầu tư tại KCN, KKT Hải Phòng giai đoạn 2015-2020 tăng 1,5 lần so với các giai đoạn trước. Tuy nhiên, nguồn vốn này chủ yếu tập trung vào một vài tập đoàn lớn.
Thách thức đặt ra với Hải Phòng là phải thu hút được những nhà đầu tư lớn, có đóng góp ngân sách tương xứng với nguồn lực mà thành phố này đã đầu tư.
Ấn tượng nhưng chưa đủ
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2015-2020, Ban Quản lý KKT Hải Phòng thu hút 218 doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư với tổng giá trị đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 95,6 tổng vốn FDI thu hút toàn thành phố. Thu hút đầu tư trong nước DI đạt 106.323 tỷ đồng. Doanh thu của các doanh nghiệp đạt 52,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD (chiếm 79% xuât khẩu toàn thành phố), nhập khẩu: 43 tỷ USD (chiếm 77% nhập khẩu toàn thành phố). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 67,1% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố. Nộp ngân sách đạt 34.052,20 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 21.210,05 tỷ đồng, thu hải quan đạt 12.842,16 tỷ đồng.
Ông Trần Lưu Quang, bí thư Thành ủy Hải Phòng nhận định, KKT Hải Phòng là một trong những KKT thành công của cả nước, đóng góp lớn vào sự phát triển của thành phố Hải Phòng, thể hiện qua các số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu, doanh thu, thu nộp ngân sách… Với 12 KCN đang hoạt động đã thu hút gần 158,000 người lao động, góp phần ổn định chính trị, kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Lê Trung Kiên, trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tốc độ tăng trưởng thu hút đầu tư tại KCN, KKT giai đoạn 2015-2020 tăng nhanh, tổng số vốn FDI thu hút tăng 1,5 lần so với các giai đoạn trước. Nhưng nguồn vốn này chủ yếu tập trung vào một vài doanh nghiệp như tập đoàn LG (5053 tỷ USD); Tập đoàn Brigestone (1,224 tỷ USD); Regina Miracle (0,9 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 82,2%; 212 dự án còn lại chỉ chiếm 17,8% tổng vốn với trung bình 8,6 triệu USD/dự án.
Vì vậy để thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 đạt 12,5-15 tỷ USD, thách thức đặt ra đối với Ban quản lý KKT Hải Phòng không hề nhỏ. Làm thế nào để thu hút được những nhà đầu tư lớn có đóng góp tương xứng với nguồn lực thành phố đã đầu tư? Giải được bài toán này cũng là đi theo định hướng, chủ trương của TP Hải Phòng trong việc thu hút vốn FDI chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các dự án, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới.
“Dọn tổ” đón “đại bàng”
Tổng diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố hiện tại là 4.927 ha, trong đó diện tích lấn biển là 1975,2 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình hiện đạt 62,5%. Thời gian tới, Hải Phòng dự kiến triển khai mới 15 khu công nghiệp, với tổng diện tích hơn 6.200 ha. Nhiều dự án, công trình trọng điểm như dự án bến cảng số 3,4 tại khu bến cảng Lạch Huyện; dự án khu cảng hàng hóa, bến phà, tàu khách, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch tại huyện Cát Hải; Khu đô thị dịch vụ VSIP, các dự án khu đô thị trên địa bàn khu kinh tế như khu đô thị Tràng Cát; Khu vui chơi, giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên; …
Để tận dụng lợi thế và đón bắt làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp đang đổ bộ về miền Bắc Việt Nam, thành phố Hải Phòng cần phải có những bước chuẩn bị hết sức chu đáo.
Tại cuộc họp với lãnh đạo thành phố bàn về các giải pháp thu hút đầu tư vào các KCN Hải Phòng, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý KKT đã đưa ra nhiều đề xuất. Trong đó, thành phố cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông đô thị đồng bộ, đặc biệt hệ thống giao thông kết nối từ các khu công nghiệp đến các trục đường chính, tạo các công trình ý nghĩa có chiến lược liên kết vùng, tạo thuận lợi cho giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm giao thương quốc tế.
Thành phố cần quan tâm chỉ đạo sát sao các quận, huyện sở ngành của Hải Phòng tập trung giải quyết những tồn tại của các khu công nghiệp, đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất thu hút đầu tư tại các KCN An Dương, KCN Vsip, các KCN tại bán đảo Đình Vũ và huyện Cát Hải. Ban Quản lý KKT cũng cần được quan tâm nhiều hơn, được tạo các cơ chế thuận lợi để trở thành đầu mối giải quyết toàn bộ các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án, doanh nghiệp nhằm chủ động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong các vấn đề như quản lý lao động, xây dựng, tài nguyên môi trường. Việc quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao để tăng cạnh tranh hơn nữa trong thu hút đầu tư cũng là một trong các giải pháp cần phải tập trung đẩy mạnh. Liên quan đến vấn đề thu hút nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Tùng, chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu Ban quản lý KKT Hải Phòng tập trung sớm đẩy nhanh việc giao đất, xây dựng nhà ở dành cho người lao động tại các KCN Vsip, Đình Vũ, tháo gỡ ngay vướng mắc, đẩy nhanh các dự án xây dựng nhà xã hội dành cho người lao động, việc xây dựng thiết chế cho người lao động phải thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người lao động.
Ông Trần Lưu Quang, bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu Ban Quản lý KKT sớm phối hợp, thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Đình Vũ- Cát Hải, bảo đảm với quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường quản lý xây dựng, môi trường an ninh trật tự tại các KCN, KKT; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, phải thực sự là chỗ dựa với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Ban Quản lý KKT Hải Phòng cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, đáp ứng nhu cầu, nguyên tắc chung là phục vụ các nhà đầu tư. Bên cạnh đó tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp như là lợi thế để cạnh tranh thu hút đầu tư.
Hy vọng với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng với lợi thế cạnh tranh riêng có của mình, Hải Phòng sẽ tiếp tục đón thêm nhiều “đại bàng” về làm tổ, xứng đáng với nguồn lực mà thành phố này đã dày công đầu tư thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm