Hơn 10 ngày chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các phường, xã ở Hải Phòng nhận những tín hiệu tích cực và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Việc hợp nhất tỉnh Hải Dương với thành phố Hải Phòng tạo nên một đơn vị hành chính mới với diện tích tự nhiên hơn 1.526 km² và quy mô dân số khoảng 2,47 triệu người. Trong đó dân số thường trú trên 2,27 triệu.
Quy mô lớn đòi hỏi bộ máy chính quyền phải tinh gọn, hiệu quả và năng động hơn. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã (114 đơn vị hành chính cấp xã: 67 xã, 45 phường và 2 đặc khu), được xem là bước đi chiến lược nhằm giảm tầng nấc trung gian, tăng tính chủ động, linh hoạt trong quản lý và phục vụ.
Sự thay đổi "thần tốc"
Dù ghi nhận lượng hồ sơ tăng đáng kể tại nhiều trung tâm hành chính công, các quy trình tiếp nhận và xử lý đều diễn ra một cách trôi chảy, nhanh chóng, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. Điển hình là tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hồng Bàng, nơi tiếp nhận trung bình khoảng mỗi ngày hơn 200 hồ sơ, ngày đông nhất gần 400 hồ sơ. Các hồ sơ tập trung vào các thủ tục phổ biến như sao y, chứng thực, đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm hành chính công phường Hồng Bàng, khẳng định: “Hệ thống hạ tầng, trang thiết bị và đội ngũ nhân sự đều đang hoạt động ổn định, đảm bảo tiến độ xử lý và quan trọng nhất là không để xảy ra tình trạng trễ hẹn hay phát sinh phản ánh tiêu cực từ phía người dân và doanh nghiệp”. Theo bà Vân Anh, từ ngày 1/7 đến nay phường Hồng Bàng tổng số lượt tiếp công dân là 2705 lượt nhận 1963 hồ sơ. Trong đó đã giải quyết xong 1837 hồ sơ. Tổng số hồ sơ còn đang giải quyết 126 hồ sơ.
Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của mô hình mới. Ông Nguyễn Văn Việt – Công ty TNHH Hải Long chia sẻ: "Tôi đến để công chứng giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại phường Hồng Bàng, thấy rất đông người nhưng vẫn có công chức hướng dẫn rõ ràng.
Điều này giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Việc lược bỏ các cấp trung gian giúp cán bộ công chức chủ động hơn trong nhiều công việc, không cần phải xin ý kiến cấp trung gian, từ đó giúp người dân, và doanh nghiệp giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn". Ông Việt nói!
Còn tại Đặc khu Cát Hải, nhiều cán bộ nơi đây đã tranh thủ giờ nghỉ trưa, cuối giờ chiều để hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân trên đảo. Bà Nguyễn Thu Hương – Cát Hải – Hải Phòng chia sẻ: "Tôi thấy chính quyền địa phương 2 cấp giúp xử lý giấy tờ nhanh hơn, nhân viên niềm nở, hướng dẫn tận tình. Mô hình mới rất hợp lý và đáng trân trọng". Sự thay đổi không chỉ thể hiện ở các số liệu mà còn ở phương thức làm việc.
Theo anh Tú, chuyên viên Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Cát Hải chia sẻ, cho biết hiện nay, công việc tại Trung tâm hành chính công đã vận hành nhuần nhuyễn. Dù lượng hồ sơ nhiều hơn trước, nhưng nhờ người dân chủ động làm việc qua hệ thống dịch vụ công, đội ngũ công chức cũng xử lý kịp thời. Trung tâm còn có chuyên viên hướng dẫn ngay lập tức nếu người dân gặp trục trặc, giúp họ dần quen với việc vận hành trên hệ thống.
Những điểm sáng sau vận hành
Qua 10 ngày đầu tiên, mô hình chính quyền 2 cấp đã cho thấy hiệu quả bước đầu rõ nét. Bộ máy chính quyền mới vận hành trơn tru, giảm thiểu sự chồng chéo, rườm rà trong quản lý, giúp công tác chỉ đạo, điều hành nhanh nhạy, hiệu quả hơn. Ở nhiều trung tâm phục vụ hành chính công tại cấp xã, phường đã tiếp nhận trung bình từ 120 đến 150 hồ sơ/ngày, tăng khoảng 30% so với trước khi hợp nhất.
Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn tại nhiều phường, xã đạt trên 98%, với các thủ tục như đăng ký hộ khẩu, chứng thực giấy tờ được xử lý kịp thời, nhiều trường hợp trả kết quả ngay trong ngày, giảm đáng kể thời gian chờ đợi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, cán bộ sử dụng thành thạo phần mềm quản lý hồ sơ, máy scan và hệ thống số hóa, giúp quy trình minh bạch, hạn chế ùn tắc tại quầy giao dịch.
Tinh thần trách nhiệm, sự chủ động thích nghi nhanh chóng của đội ngũ cán bộ, công chức là điểm sáng nổi bật. Các cán bộ, công chức phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo công việc diễn ra đúng tiến độ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền mới. Sự đồng thuận và ủng hộ từ cộng đồng dân cư tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp mô hình phát huy hiệu quả ngay từ những ngày đầu.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đã đi kiểm tra việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ở xã An Phú và phường Ái Quốc. Đây là 2 địa phương ở phía Tây thành phố Hải Phòng.
Chia sẻ khó khăn khi khối lượng công việc lớn, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đầy đủ, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã đề nghị, chính quyền các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, lấy việc phục vụ người dân và doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Các sở, ngành chức năng sớm tổ chức tập huấn, hỗ trợ, khắc phục ngay những hạn chế các địa phương gặp phải trong quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp; thành lập các nhóm điều hành công việc trong hệ thống cùng với nhóm zalo cho người dân; công khai các thủ tục hành chính để người dân nắm rõ, chuẩn bị đầy đủ để khi đến trung tâm phục vụ hành chính công sẽ được xử lý ngay; hướng dẫn để người dân có thể tự thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường internet
Theo ông Châu: "Vận hành chính quyền mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần đánh giá năng lực đội ngũ công chức, viên chức, người lao động theo vị trí việc làm để có sự điều chỉnh, sắp xếp công việc phù hợp, phát huy được năng lực, sở trường của từng cán bộ. Đặc biệt, bộ phận trực tiếp phục vụ người dân, doanh nghiệp phải lựa chọn cán bộ tinh thông nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm và làm việc chuyên nghiệp.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tập trung nghiên cứu các quy định mới để thực hiện công việc được giao tốt nhất. Cấp ủy, chính quyền và từng cán bộ, công chức, viên chức phải nắm bắt tình hình dư luận xã hội về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để phục vụ người dân tốt hơn".
Bước đệm cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Trước khi hợp nhất, Hải Phòng đã có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng với GRDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 11,2%, vượt mức trung bình cả nước. Tỉnh Hải Dương cũng ghi nhận tăng trưởng 11,59% trong cùng kỳ. Sự hợp nhất và vận hành mô hình chính quyền 2 cấp tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 12,5% trong năm 2025. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố phát huy tiềm năng, thế mạnh, trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu khu vực Đông Bắc Bộ và cả nước.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại Hải Phòng sau hợp nhất tỉnh Hải Dương là bước đi chiến lược, phù hợp với xu thế đổi mới tổ chức bộ máy hành chính. Những kết quả tích cực sau 10 ngày đầu vận hành đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố cảng trong tương lai.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả, cần sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Chỉ khi đó, mô hình mới mới thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy Hải Phòng phát triển toàn diện, hiện đại, xứng tầm trung tâm kinh tế biển hàng đầu khu vực và cả nước.
Ông Nguyễn Trung Tuyên – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng CDS cho biết: “Việc vận hành chính quyền hai cấp đã mang lại những cải thiện đáng kể trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Nhờ sự phân cấp rõ ràng hơn, các quy trình được tinh gọn, giảm bớt khâu trung gian và chồng chéo. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, và giảm thiểu những phiền hà không đáng có. Các hồ sơ được xử lý nhanh chóng hơn, thông tin minh bạch hơn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập”.