"Cục Thuế cần phân loại mức độ nợ thuế của các doanh nghiệp, chỉ ra những doanh nghiệp nợ thuế cần tập trung thu hồi, báo cáo UBND TP trước ngày 15/9".
Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình đối với Cục Thuế Hải Phòng.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch thường trực còn yêu cầu Văn phòng UBND TP phối hợp với Sở Công Thương, Sở GTVT và Cục Thuế cần có sự phân công cụ thể lại trách nhiệm của các thành viên trong Tổ đôn đốc, chống thất thu thuế, chậm nhất 31/8 báo cáo UBND TP.
Đồng thời, yêu cầu Tổ tập trung triển khai những nội dung theo quy định của pháp luật, cần thiết kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tuyên bố phá sản. Đối với trường hợp trốn nợ thuế chuyển cho các cơ quan pháp luật xem xét xử lý, cần thiết truy tố tội trốn thuế. Xem xét thu hồi Giấy phép kinh doanh và giấy phép kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật…
Theo báo cáo của Cục thuế, tính đến tháng 12/2018 thành phố có 330 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp nợ thuế với số tiền lên tới 444 tỷ đồng. Trong đó, chỉ thống kê 10 doanh nghiệp công nghiệp nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên đã có số nợ lên tới 321 tỷ đồng. Tại nhiều buổi làm việc, hầu hết các doanh nghiệp này đều không dám cam kết trả nợ, vì số tiền phạt chậm nộp có khi đã lớn hơn số thuế nợ gốc. Hơn nữa, đây đều là khoản nợ kéo dài hết năm này qua năm khác. Có doanh nghiệp nợ triền miên hơn 10 năm và không biết đến bao giờ có thể trả được.
Được biết, trong 10 doanh nghiệp này có 7 doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu, 3 doanh nghiệp còn lại không phát sinh doanh thu. Đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng với số nợ hơn 121 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp là gần 90 tỷ đồng. Sau đó là Công ty CP công nghiệp tàu thủy Đông Á nợ gần 32 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư và xây dựng đường thủy nợ hơn 15 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư và xây dựng công trình đường thủy 2 nợ 13,4 tỷ đồng; Công ty CP Việt Thịnh nợ 21,7 tỷ đồng; Công ty CP cơ khí thương mại và xây dựng Hải Phòng nợ 14,4 tỷ đồng; Công ty CP Lisemco nợ 51,7 tỷ đồng; Công ty CP cơ khí và xây lắp hóa chất nợ 11,8 tỷ đồng;…
Có thể bạn quan tâm
14:10, 19/08/2019
11:18, 19/08/2019
05:50, 19/08/2019
Các doanh nghiệp này đều tìm ra trăm ngàn lý do để nợ thuế, như: Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Phà Rừng là doanh nghiệp thuộc diện phá sản nên không có nguồn để nộp khoản nợ thuế khoảng 15 tỷ đồng. Lý do của Công ty CP công nghiệp tàu thủy Đông Á là do các đơn hàng đóng tàu ít trong khi công ty còn đọng tàu hàng 9200 tấn trị giá 100 tỷ đồng chưa bàn giao khách hàng nên dẫn tới nợ đọng thuế. Công ty CP cầu đường 10 nợ hơn 21 tỷ đồng do thi công nhiều công trình vốn ngân sách ở tỉnh ngoài nhưng chưa được thanh toán dứt điểm…
Thời gian qua, Cục Thuế Hải Phòng đã áp dụng rất nhiều biện pháp, kể cả cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng… nhưng số thu được không đáng bao nhiêu. Đến hết năm 2018, Cục thuế mới thu được 19 tỷ đồng từ các doanh nghiệp này. Trong đó lớn nhất là Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng nộp hơn 10 tỷ đồng; Công ty CP Lisemco nộp 3,4 tỷ đồng; Công ty CP cầu đường 10 nộp 2,9 tỷ đồng; Công ty CP công nghiệp tàu thủy Đông Á nộp 441 triệu đồng; Công ty CP cơ khí thương mại và xây dựng Hải Phòng được 1,3 tỷ đồng; Công ty CP cơ khí xây lắp hóa chất nộp 944 tỷ đồng… Cá biệt, Công ty CP đầu tư và xây dựng đường thủy, Công ty CP Việt Thịnh không nộp được đồng nào.
Nhằm kiên quyết đấu tranh với tình trạng doanh nghiệp cố tình chây ỳ nộp thuế, Tổng Cục thuế cũng đã áp dụng giải pháp mạnh tay là cưỡng chế đối với các doanh nghiệp nợ thuế từ 91 ngày trở lên. Theo đó cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ doanh nghiệp có tiền nợ thuộc diện này.