Hải Phòng sẽ tiếp tục mở rộng các dự án khu, CCN; hoàn thiện điều kiện khác như thủ tục hành chính, hạ tầng giao thông… để thu hút đầu tư, hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.
>>>Về Hải Phòng hôm nay
>>>Hải Phòng: Khởi công dự án gần 1.067 tỷ đồng, trong ngày làm việc đầu xuân Quý Mão
Triển vọng bứt phá
Cách đây 7 năm, khi dự lễ khởi công xây dựng Nhà máy LG Display Hải Phòng, đại diện Tập đoàn LGD khi đó đã khẳng định, Hải Phòng là “bạn đồng hành chiến lược” của LGD tiến ra thị trường OLED toàn cầu. Tập đoàn sẽ phát triển LGD Hải Phòng trở thành nhà máy hàng đầu thế giới dẫn đường công nghệ màn hình OLED tương lai.
Và đến nay LGD đã không ngừng mở rộng nhà xưởng, trở thành là nhà đầu tư Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Phía Tập đoàn LG cũng khẳng định sẽ xây dựng và phát triển các tổ hợp LG tại Hải Phòng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0.
Cùng với sự xuất hiện của tập đoàn LG, trong những năm gần đây, công nghiệp Hải Phòng cũng có bước nhảy ngoạn mục về công nghệ khi liên tục có các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới và trong nước thực hiện các dự án công nghệ cao. Đơn cử như USI thuộc tập đoàn ASE Technology Holding đã đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy tại KCN Đình Vũ với kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất chủ lực trong ngành sản xuất thiết bị điện tử đang lên của Hải Phòng và đang dự kiến tăng vốn đầu tư lên 400 triệu USD trong giai đoạn tiếp theo; Tập đoàn Pegatron xây dựng nhà máy tại KCN Nam Đình Vũ, chuyên sản xuất thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch), cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple…
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tập đoàn lớn trên thế giới đã tạo dựng nền tảng cơ bản để công nghiệp Hải Phòng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây cũng là “đòn bẩy” đưa ngành công nghiệp công nghệ cao tăng tốc và bứt phá trong thời gian tới.
Theo đại diện Công ty TNHH Pegatron Việt Nam (Đài Loan- Trung Quốc) - nhà cung cấp linh kiện hàng đầu cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo… thông tin: Tập đoàn Pegatron sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 300 triệu USD nữa vào Hải Phòng, nâng tổng số vốn đầu tư lên 800 triệu USD.
>>>Hải Phòng: Cam kết đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư
Còn theo đại diện BQL KKT Hải Phòng, ngoài sự tăng năng lực sản xuất của các dự án lớn, hiện còn có những dự án có tính chất bổ trợ cho hoạt động sản xuất công nghiệp về logistics dự kiến đi vào hoạt động trong thời gian tới như: dự án của SLP Park Hải Phòng 2, tổng vốn đầu tư 17,3 triệu USD; dự án của BW tổng vốn đầu tư 25,8 triệu USD…
Đồng bộ các giải pháp
Thời gian tới, tiềm năng và dư địa thu hút đầu tư của Hải Phòng rất lớn. Giai đoạn, 2021- 2025, Hải Phòng phấn đấu thu hút 12,5- 15 tỷ USD. Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, TP Hải Phòng sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết, năm 2023 dự báo là một năm khó khăn có nhiều biến động. Vì vậy, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cam kết sẽ đồng hành sát cánh cùng các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp vượt qua những khó khăn chung của kinh tế thế giới.
Trong các năm tiếp theo, Hải Phòng sẽ tiếp tục mở rộng các dự án khu, CCN và hoàn thiện các điều kiện khác như thủ tục hành chính, kết cấu hạ tầng giao thông… để tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án khác vào địa bàn.
Được biết, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tập trung giải quyết khó khăn vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề và nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư dự án hạ tầng giao thông kết nối các khu, CCN như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường vành đai 2 và 3, các cầu, đường kết nối với tỉnh Quảng Ninh (cầu Lại Xuân), Thái Bình (cầu Nghìn 2)… nhằm mở rộng không gian kinh tế của địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2023, Hải Phòng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp Tiên Thanh, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Nam Đình Vũ khu 1, Nam Đình Vũ khu 2, VSIP, cầu Kiền.... Hoàn thành các thủ tục thành lập 4 KCN mới: Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3, Giang Biên 2, cũng như triển khai các thủ tục đầu tư khu công nghiệp Vinh Quang, An Hòa và Tân Trào. Từ đó, “tạo ổ đón đại bàng”, thu hút các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ cao, công nghiệp điện tử đến đầu tư tại Hải Phòng và hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2022, Hải Phòng đứng thứ 4 cả nước về thu hút FDI. Cụ thể, trong năm, tổng thu hút vốn đầu tư vào KKT, KCN đạt gần 3,2 tỷ USD; trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 2,5 tỷ USD với 48 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn. Đối với các dự án đầu tư 100% vốn trong nước (DDI), thành phố đã thu hút trên 16.000 tỷ đồng (0,7 tỷ USD) với 8 dự án cấp mới, 5 dự án điều chỉnh tăng vốn. Lũy kế đến nay trên địa bàn KKT, KCN có 458 dự án FDI với số vốn trên 23 tỷ USD; 202 dự án DDI với tổng số vốn gần 300.000 tỷ đồng (tương đương 12,8 tỷ USD). |
Có thể bạn quan tâm