Hải Phòng đang hướng tới trở thành thành phố đi đầu cả nước có nền công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững.
>>>Hải Phòng: Vốn đầu tư công “đội” cả nghìn tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tich UBND TP Hải Phòng, với định hướng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững. TP Hải Phòng là thành phố hàng hải toàn cầu, đô thị cửa ngõ của vùng Bắc Bộ, trung tâm kinh tế biển trọng điểm của đất nước.
Từ “chìa khóa”
Từ định hướng đó, TP Hải Phòng sẽ phát triển hệ thống cảng biển, công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics…
Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng chia sẻ, là địa phương có vùng bờ, biển và đảo rộng lớn, nằm trong chiến lược biển của cả nước với 126km bờ biển và hơn 4.000km2 diện tích mặt biển, Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics.
Hệ thống hạ tầng logistics của Hải Phòng có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức.
Về hạ tầng cảng biển, Hải Phòng tập trung nâng cấp và đầu tư xây dựng mới hạ tầng cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế; hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các bến số 1, 2 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện. Hiện hệ thống cảng biển của thành phố gồm 5 khu bến với 98 cầu bến các loại cùng 8 đoạn luồng hàng hải chính cơ bản đáp ứng tiếp nhận tàu lớn ra, vào làm hàng.
Trong đó, đẩy nhanh tốc độ triển khai dịch vụ cảng điện tử ePort, nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn ra biển lớn, trở thành cảng biển uy tín, chất lượng, quy mô hàng đầu khu vực.
… đến cảng hiện đại thông minh
Thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ "Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội," TP Hải Phòng đã biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển; đẩy nhanh tốc độ triển khai dịch vụ cảng điện tử ePort, nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn ra biển lớn, trở thành cảng biển uy tín, chất lượng, quy mô hàng đầu khu vực.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Bộ Chính trị vừa có NQ số 45 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2045, Hải Phòng sẽ phát triển với 3 trụ cột chiến lược là cảng biển, công nghiệp và du lịch thương mại.
Trong đó, cảng biển được đưa lên hàng đầu. TP Hải Phòng sẽ quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế.
Vừa qua, Cảng Hải Phòng chính thức triển khai dịch vụ cảng điện tử ePort tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ, qua đó cung cấp dịch vụ đăng ký giao nhận, thanh toán trực tuyến cho các container qua Cảng Tân Vũ trên trang website https://eport.haiphongport.com.vn.
Các dịch vụ đăng ký lệnh trên ePort bao gồm lệnh lấy nguyên, hạ hàng, hạ vỏ, cấp rỗng, lệnh dịch vụ kiểm dịch, kiểm hóa, đóng, rút container, lệnh cân…
Các phương thức thanh toán trực tuyến được hỗ trợ như ví điện tử VNPay, thẻ ATM nội địa, hệ thống cho phép cấp lệnh đối với cả hai hình thức hợp đồng thanh toán tiền ngay và tiền sau.
Dịch vụ cảng điện tử ePort của Cảng Hải Phòng hướng tới hai nhóm gồm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Khách hàng doanh nghiệp bao gồm các công ty giao nhận, logistics, các đơn vị vận tải và hãng tàu, đại lý hãng tàu. Khách hàng cá nhân là những người làm dịch vụ đơn lẻ thay mặt doanh nghiệp để đăng ký thủ tục giao nhận hàng hóa tại cảng.
Hệ thống ePort của cảng gồm hai nhóm dịch vụ chính là cung cấp dịch vụ đăng ký giao nhận hàng hóa và cung cấp môi trường trao đổi dữ liệu lệnh giao nhận điện tử eDO, tra cứu container giữa hãng tàu và cảng.
Khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân sau khi sử dụng dịch vụ cảng điện tử ePort đều nhận định, việc triển khai dịch vụ này đã góp phần hiện đại hóa, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến thủ tục quy trình giao nhận, thanh toán điện tử và giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng. Từ đó, giảm thời gian khách hàng trực tiếp đến giao dịch tại cảng; giảm thời gian xe dừng đỗ tại các cổng cảng làm thủ tục và giảm ách tắc giao thông tại cổng cảng. Đối với Cảng Hải Phòng, việc triển khai dịch vụ cảng điện tử ePort cũng góp phần hạn chế việc giao dịch trực tiếp giữa khách hàng và cán bộ nhân viên tại quầy thủ tục.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh, trong thời gian tới, khi các chi nhánh cảng khác trong Cảng Hải Phòng được đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật cũng như kết nối thông tin, Cảng Hải Phòng sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai ePort rộng rãi trong toàn hệ thống.
Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến quy trình thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, Cảng Hải Phòng đã xây dựng nhiều giải pháp hiệu quả để lan tỏa văn hóa “Lấy khách hàng làm trung tâm” trong toàn thể cán bộ công nhân viên.
Với lợi thế sở hữu 3 đơn vị xếp dỡ có quy mô lớn tại Hải Phòng, Cảng Hải Phòng cũng chủ động đề xuất với cơ quan Hải quan cho linh hoạt điều chuyển hàng hóa và tàu giữa các chi nhánh cảng trong trường hợp có nguy cơ tồn đọng hàng hóa.
Chính vì vậy, chỉ số hiệu quả cảng biển Hải Phòng luôn được ghi nhận trong số các cảng biển tốt nhất thế giới. Trong tương lai, dự án các Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện của Hải Phòng hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho các hãng tàu với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT giảm tải. Đây sẽ là nơi mở ra nhiều hơn sự hợp tác và là mục tiêu mà Cảng biển Hải Phòng đang phấn đấu để có thể cung cấp cho các khách hàng dịch vụ chất lượng nhất.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhận định rằng: Tương lai của cảng biển Hải Phòng rất rộng mở kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của TP Hải Phòng. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khẳng định rõ ràng, chắc chắn nhất vị thế cảng biển Hải Phòng, vị thế của TP Hải Phòng, là bệ đỡ để Hải Phòng phát triển đột phá, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà NQ số 45 của Bộ Chính trị đề ra.
Có thể bạn quan tâm