Năm 2025, ngành du lịch Hải Phòng đặt mục tiêu đón khoảng 10 triệu lượt du khách, khẳng định tiềm năng phát triển kinh tế xanh của thành phố.
Tiềm năng khổng lồ
Theo báo cáo từ Sở Du lịch TP Hải Phòng, trong 8 tháng đầu năm, du lịch Hải Phòng ước tính đón và phục vụ khoảng hơn 6,5 triệu lượt khách. Trong đó, đảo Cát Bà đón khoảng 2,8 triệu lượt khách, khu du lịch Đồ Sơn đón khoảng 2,6 triệu lượt khách.
Ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết: “Sở đã có những chỉ đạo với các ban ngành triển khai các công tác nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của thành phố. Bên cạnh đó, thời gian qua thành phố cũng đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ, phương tiện vận chuyển như đưa vào hoạt động 2 phà mới di chuyển sang đảo Cát Bà cùng với 8 phà cũ, giảm 50% giá vé cáp treo nhằm kích cầu du lịch, xây dựng thêm các tuyến đường giao thông… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch”.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP Hải Phòng có 554 cơ sở lưu trú du lịch với 16.284 phòng. Trong đó, có 06 khách sạn hạng 5 sao, 09 khách sạn 4 sao và 04 khách sạn hạng 3 sao. TP Hải Phòng hiện sở hữu 4 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lượng du khách tham gia thường xuyên và ổn định trong 4 mùa.
Ông Mai Xuân Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú của Hải Phòng lại tốt như vậy. Riêng Cát Bà có khoảng 15.000 phòng, Vịnh Lan Hạ có 1.400 phòng, Đồ Sơn cũng tương đương. Tuy nhiên, nguồn khách của Hải Phòng vẫn còn hạn chế, mang tính thời vụ. Trong khi, nguồn khách nội địa đang có khả năng chi trả cao hơn trước rất nhiều. Chính vì vậy, trong tương lai, các sở ban ngành, các doanh nghiệp du lịch cần phải xây dựng thêm các sản phẩm mới, phát triển hoạt động du lịch 4 mùa, giữ chân du khách lâu hơn, thu nguồn lợi nhuận lớn từ ẩm thực, lưu trú...”.
Hiện, tổng số doanh nghiệp lữ hành hoạt động trên địa bàn thành phố là 142 doanh nghiệp. Trong đó có 85 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, 54 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, 03 chi nhánh công ty kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Du lịch thành phố đã thực hiện thẩm định, cấp mới, cấp đổi 02 giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, thêm mới 08 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Đồng thời, thực hiện thu hồi 03 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, 07 giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa.
Chị Nguyễn Thị Thùy Anh – Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Du lịch Minh Việt chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi vẫn xây dựng các tour tham quan các địa danh nổi bật trong thành phố. Đồng thời, cũng có thêm các sản phẩm mới về du lịch gắn với trải nghiệm tại nông thôn, các di tích văn hóa cho du khách. Bởi gần đây, du khách có xu hướng thích được khám phá các giá trị văn hóa lịch sử, trong khi Hải Phòng lại rất giàu lợi thế. Số lượng du khách đến thăm Hải Phòng thời gian qua tăng vọt, trung bình mỗi ngày chúng tôi đón khoảng gần 100 du khách tham quan Hải Phòng”.
Hiện thực hóa tham vọng
Mặt khác, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Sở Du lịch đã thẩm định hồ sơ, cấp, cấp đổi, cấp lại 107 thẻ hướng dẫn viên. Tổ chức các lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn.
Đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số, Sở Du lịch đã đẩy mạnh tuyên truyền công tác chuyển đổi số trên hệ thống thông tin của Sở, đưa thêm các nội dung tuyên truyền về phát triển công nghệ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các nhiệm vụ chuyển đổi số trên hệ thống phần mềm quản lý điều hành văn bản, Cổng thông tin điện tử và Website của Sở đến toàn thể công chức của Sở, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, du khách và nhân dân.
Tại các khu di tích, khu tham quan của Hải Phòng cũng đã có thêm các trang website, các mã QR để du khách có thể dễ dàng quét mã, tìm hiểu chi tiết về địa điểm một cách sống động. Thông qua đây, cũng lan tỏa hình ảnh, điểm đến, các sản phẩm, hoạt động mới trên các phương tiện truyền thông. Ước tính, 100% các sự kiện, hoạt động du lịch của thành phố được thông báo, tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, website, fanpage của Sở Du lịch. Trên 50% doanh nghiệp du lịch tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc có áp dụng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên các sàn điện tử. Khoảng 100% doanh nghiệp du lịch thực hiện hóa đơn điện tử trong thanh toán.
Sở Du lịch cũng đã tích cực khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, tiếp cận du khách nhanh hơn, dễ dàng, chốt khách thông minh.
Ông Mai Xuân Thắng cho biết thêm: Chúng tôi cũng phối hợp với Sở Du lịch, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn triển khai chương trình đào kịp thời để chuẩn bị cung ứng các sinh viên cuối khóa tới các doanh nghiệp du lịch thực tập, vừa để bổ sung lao động thời vụ và nâng cao trình độ nghiệp vụ du lịch. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chính quy bài bản có thể bổ sung kịp thời cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực của các doanh nghiệp du lịch trong tương lai.
Vừa qua, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển du lịch TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nêu rõ, năm 2025, ngành du lịch thành phố đặt mục tiêu đón khoảng 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 12.400 tỷ đồng và ngành du lịch đóng góp khoảng 2,80% GRDP thành phố.
Mục tiêu đến năm 2030, Hải Phòng đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 25.500 tỷ đồng, ngành du lịch đóng góp khoảng 4,19% GRDP thành phố.
Xa hơn, ngành du lịch sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 18.700 lao động trực tiếp năm 2025, đến 2030 là 23.000 lao động. Đồng thời, cũng sẽ góp phần bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Hoạt động phát triển du lịch cũng phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả, tham gia tích cực vào bảo tồn hệ sinh thái và giảm thiểu tác động môi trường về rác thải, khí thải tại các khu, điểm du lịch. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ.