Hải Phòng đang triển khai một loạt giải pháp để phát triển nhà ở xã hội, từ chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục đến đa dạng hóa nguồn vốn.
Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết, người dân đăng ký mua nhà ở xã hội tập trung chủ yếu ở 3 nhóm đối tượng, bao gồm: người lao động trong và ngoài khu công nghiệp; người thu nhập thấp tại đô thị; công chức, viên chức, sỹ quan công an, quân đội.
Các vướng mắc chính
Vướng mắc chính của người dân đủ điều kiện khi lập hồ sơ mua nhà ở xã hội là việc xin xác nhận về điều kiện, tình trạng nhà ở tại UBND cấp xã. Một số xã, phường không xác nhận theo biểu mẫu quy định của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp đa số có mức thu nhập chịu thuế (mức thu nhập trên 11 triệu/tháng) thì không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, mặc dù đây là nhóm đối tượng có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ gói tín dụng hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng. Về điều kiện được mua nhà ở xã hội theo quy định của luật còn nhiều bất cập. Phần lớn người dân chưa tiếp cận thông tin về nhà ở xã hội hoặc gặp vướng mắc trong thực hiện trình tự thủ tục thuê, mua. Đặc biệt, tại một số dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán có tình trạng người dân bị mất thêm chi phí cho sàn giao dịch bất động sản được chủ đầu tư phân phối bán hàng.
Ông Nguyễn Anh Tuân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng cho biết, tổng lực lượng lao động trên địa bàn thành phố hiện nay có khoảng 1,2 triệu người. Trong đó, nhu cầu về nhà ở xã hội là hơn 50.000 căn hộ.
Đặc biệt, khảo sát bằng phiếu tại KCN An Dương (huyện An Dương), có khoảng 30.000 người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, trong khi đó các dự án nhà ở xã hội của khu vực hiện tại và thời gian tới chỉ đáp ứng được khoảng 10.000 căn. Trong đó, nhu cầu căn hộ 65m2 khoảng 48%, căn hộ 60m2 khoảng 20%, đối với căn hộ 30m2 chỉ chiếm 8%, đây là xu hướng đi ngược so với thị trường cả nước.
Bên cạnh đó, giá bán của một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố hiện tại vẫn khá cao khi dao động từ 16-19 triệu đồng/m2. Thậm chí nếu tính thêm cả chi phí nội thất thì giá trị căn hộ sẽ lên đến hơn 20 triệu đồng/m2. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội để hưởng chênh lệch với mức chênh trung bình từ 100-200 triệu đồng/căn. Thủ tục để làm hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội còn quá rườm rà, chồng chéo khiến người mua có nhu cầu hoang mang. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin của công nhân và người lao động muốn mua nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, có 5 khó khăn chính trong xây dựng nhà ở xã hội là quỹ đất, quy hoạch, thủ tục, vốn và đầu ra. Trong đó, chủ đầu tư có khó khăn trong tìm quỹ đất, thủ tục rườm rà, tốn thời gian chi phí nhưng vẫn phải thực hiện. Phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội cho thuê và chỉ được bán sau 5 năm sử dụng. Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai...
"Người dân cũng gặp khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội do quy định hộ gia đình phải có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại địa phương nơi có dự án" – ông Đính cho biết thêm.
Giải pháp tháo gỡ
Để tháo gỡ những vướng mắc và khó khăn cho người dân khi tiếp cận nhà ở xã hội, Sở Xây dựng đã tham mưu với UBND TP Hải Phòng ban hành văn bản số 2256/UBND-XD3 chỉ đạo các cơ quan đơn vị, UBND các quận huyện trong việc xác nhận theo mẫu hồ sơ quy định cho đối tượng đăng ký mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Sau khi UBND thành phố có công văn chỉ đạo, UBND cấp huyện đã triển khai, chỉ đạo xuống UBND cấp xã để thực hiện.
Sở Xây dựng cũng nhấn mạnh, để tiếp cận thông tin các dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, người dân có thể truy cập vào website của Sở Xây dựng Hải Phòng để nắm bắt được thông tin các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán nhà hình thành trong tương lai, giá bán được duyệt. Đây là các thông tin chính thống để người dân biết được tình trạng pháp lý của dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, người dân có thể đến trực tiếp các dự án đang triển khai xây dựng nhà ở xã hội để tiếp cận thông tin để có cái nhìn trực quan, thực tế về dự án. Các dự án nhà ở xã hội đang triển khai đều có đội ngũ tư vấn thường trực để hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc, cung cấp các thông tin liên quan đến dự án.
Người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội trước hết cần tự nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp luật để đánh giá mình có thuộc đối tượng, điều kiện được mua hay không.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nêu rõ, người dân khi mua, thuê mua nhà ở xã hội qua sàn giao dịch bất động sản hay trực tiếp từ chủ đầu tư chỉ phải trả kinh phí theo đúng giá do Sở Xây dựng phê duyệt, không phải trả thêm bất kì khoản chi phí nào. Khuyến khích người dân mua nhà ở xã hội trực tiếp từ chủ đầu tư các dự án hoặc các sàn chính thống.
Hải Phòng sẽ tập trung đẩy nhanh, rút gọn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong quá trình xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà ở xã hội. Tập trung rà soát nguồn gốc đất đai khi thực hiện dự án. Yêu cầu Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hải Phòng, Ngân hàng chính sách xã hội tích cực tham gia hỗ trợ chủ đầu tư, người dân tiếp cận gói vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc khó khăn đặc biệt liên quan đến thể chế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các địa phương, các chủ đầu tư. Tuy nhiên, các luật liên quan đến bất động sản như Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có một số chính sách về phát triển nhà ở xã hội được quan tâm, chỉnh lý cho đảm bảo rõ ràng. Trong đó, đã giao cho UBND các địa phương căn cứ nhu cầu sẽ dành quỹ đất đảm bảo đủ cho việc phát triển nhà ở xã hội; linh hoạt trong việc dành quỹ đất trong các dự án thương mại để phát triển nhà ở xã hội.