TP Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% - 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 25% - 30%. Địa phương sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này?
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, với quyết tâm xây dựng TP Hải Phòng trở thành trung tâm logistics khu vực và quốc tế, Hải Phòng đã quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% - 35%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20% - 25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics của TP Hải Phòng đạt khoảng 30% - 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 25% - 30%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%.
Cũng theo ông Tùng, TP Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 quy hoạch 6 trung tâm logistics gồm: Lạch Huyện; VSIP; Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, Tiên Lãng và trung tâm logistics chuyên dùng hàng hóa hàng không tại sân bay Cát Bi. TP Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển các trung tâm logistics đến năm 2030 theo hướng nâng cấp mở rộng và đầu tư theo chiều sâu 6 trung tâm logistics này, với tổng công suất hàng hóa thông qua các trung tâm đạt 140,35 triệu tấn/năm, đảm nhận 60% - 65% tổng lượng hàng có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn.
Hoạt động của dịch vụ logistics tại Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, hoạt động logistics của Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Dịch vụ vận tải đường bộ tại Hải Phòng được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ đã gây ra nhiều bất cập như: cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng logistics chưa có các khu dịch vụ logistics quy mô lớn hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển. Các khu kho hàng, bến bãi dịch vụ vệ tinh chưa được quy hoạch, phát triển tự phát, nhỏ lẻ bám theo các cảng, gây tình trạng lộn xộn, manh mún, chưa gắn kết với các cảng cạn tại khu vực hậu phương, các trung tâm sản xuất tiêu thụ hàng hóa chủ yếu.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Hải Phòng cho biết, hiện có khoảng gần khoảng 500 doanh nghiệp logistics tập trung xung quanh Hải Phòng và phải nói rằng cảng biển là một dịch vụ logistics trung tâm, sau đó là các công nghiệp phụ trợ, kết nối. Cho nên việc phát triển cảng ảnh hưởng và tạo tiền đề rất lớn cho phát triển logistics.
Do quy hoạch của cảng biển và các cơ sở logistics như bến bãi, nhà kho chưa được đồng bộ, còn manh mún, chia nhỏ nên việc cạnh tranh không lành mạnh ở khu vực phía Bắc là rất lớn. Nhiều khi giá thu được từ các hãng tàu của nước ngoài hoặc các dịch vụ cạnh tranh có giá thấp nên cũng làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khai thác cảng cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Hơn nữa điểm tắc nghẽn ở chỗ kết nối với cảng thì các đường kết nối như: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ vẫn chưa đạt đồng bộ với xu thế phát triển cảng tới đây.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Hải Phòng hoàn toàn có thể tạo ra những đột biến để trở thành nơi trọng điểm về logistics của cả vùng. Tuy nhiên, để hiện thực điều đó, Hải Phòng cần sớm lập quy hoạch kết nối đường sắt đến các bến cảng, triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia; cải cách thủ tục hành chính; mở rộng thị trường, hỗ trợ kết nối cho doanh nghiệp dịch vụ logistics với chủ hàng… Quan trọng hơn cả, Hải Phòng cần đẩy mạnh liên kết vùng, tạo sự liên kết ngang giữa Hải Phòng với các địa phương…
Thực tế, trong những năm qua, Hải Phòng đã nỗ lực đầu tư về hạ tầng và tập trung phát triển logistics. Các loại hình trung tâm logistics tại Hải Phòng đang dần phát triển, nâng cấp theo hướng mở rộng về quy mô, hiện đại về trang thiết bị và công nghệ. Từ năm 2018, khi cảng Lạch Huyện, bến 1, bến 2 của cảng container quốc tế Tân Cảng Sài Gòn (HICT) đưa vào khai thác đã mở ra hướng phát triển mới của Hải Phòng. Từ cảng biển truyền thống chỉ có thể khai thác tàu khoảng 40.000 tấn, đến nay có thể đón được những con tàu lên tới 150.000 tấn; góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ; không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore hay Hồng Kông.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không cũng theo đó được kết nối liên hoàn và đồng bộ. Hải Phòng đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng một số dự án giao thông quan trọng kết nối với các trung tâm logistics Lạch Huyện, Nam Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP như: Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, tuyến đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án mở rộng tuyến đường trục qua KCN Đình Vũ - Hải Phòng, dự án đường bao Tây Nam KCN Đình Vũ, dự án mở rộng QL10 đoạn từ Quán Toan đến cầu Nghìn, cải tạo mở rộng đường tỉnh 359, dự án phát triển giao thông đô thị thành phố sử dụng vốn vay ngân hàng thế giới (WB), cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới các cầu vượt trên QL5…
Hiện nay, Hải Phòng đang tiếp tục tập trung cao, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, chuẩn bị khởi công đoạn tuyến QL10 từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền, góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics của TP Hải Phòng phát triển.
Ngoài ra, để tìm kiếm các giải pháp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics, góp phần đề xuất xây dựng chính sách, kêu gọi đầu tư vào ngành dịch vụ logistics Hải Phòng, ngày 23/4 tới đây, TP Hải Phòng phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng”. Hy vọng, với những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp logistics cùng những giải pháp tích cực từ chính quyền địa phương sẽ đưa ngành dịch vụ logistics Hải Phòng từng bước tăng trưởng bền vững, trở thành nền kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Làn sóng FDI dịch chuyển như thế nào?
05:08, 20/04/2021
Hải Phòng: Cư dân TD- Plaza kêu cứu, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc
04:05, 19/04/2021
Kiến An (Hải Phòng): Cơ sở sản xuất ngang nhiên xả thải, cơ quan chức năng ở đâu?
11:39, 18/04/2021
Hải Phòng nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư
03:30, 18/04/2021
Thực hư việc LG rao bán nhà máy smartphone tại Hải Phòng
01:00, 16/04/2021