Đối thoại về chính sách bảo hiểm với doanh nghiệp đang được coi là “chìa khoá” tạo nên sự thấu hiểu, chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động; từ đó gỡ nút thắt về quyền lợi người lao động.
>>>Hải Phòng: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
>>>Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dừng thu phí thủ công từ 1/6
Nhiều vướng mắc
Giữa tháng 3/2022, hơn 2.000 công nhân tại Nhà máy Giày Tam Cường (Vĩnh Bảo) thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng đã ngừng việc đề nghị công ty tăng mức lương cơ bản, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo mức lương cơ bản…
Sau 1 tuần dài công nhân ngừng việc tập thể, phía Nhà máy Giày Tam Cường đã có thông báo mới “thoả hiệp” với người lao động về mức đóng BHXH. Theo đó, công ty sẽ căn cứ theo quy định pháp luật, bằng việc lấy mức lương cơ bản, cộng với thâm niên và tiền độc hại để đóng BHXH cho công nhân. Nhà máy cam kết không thay đổi công thức đóng BHXH này cho người lao động. Từ vụ ngừng việc tại Nhà máy Giày Tam Cường cho thấy, việc lắng nghe và đảm bảo quyền lợi của người lao động là vô cùng quan trọng.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến những cuộc ngừng việc tập thể là do một số sai phạm của doanh nghiệp trong thực hiện chế độ lương, nhất là chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện (BHTN). Cùng với đó, ở nhiều đơn vị hoạt động công đoàn hoạt động chưa mạnh, cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, thường xuyên biến động nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động còn hạn chế; nhận thức của người lao động về chính sách pháp luật chưa đầy đủ, chưa tự lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích của mình, đặc biệt là về các chính sách BHXH, BHYT, BHTN…
Ngoài ra, việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị liên quan trên địa bàn TP Hải Phòng còn hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng dẫn đến sai sót trong nghiệp vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Mới đây, tại cuộc đối thoại giữa BHXH các quận, huyện trên địa bàn TP Hải Phòng với doanh nghiệp và người lao động, nhiều doanh nghiệp đã nêu ra những khó khăn trong quá trình triển khai chế độ bảo hiểm cho người lao động, mong được tháo gỡ.
Theo đại diện Công ty TNHH Thành Hưng, trong đợt dịch vừa qua, công ty có nhiều lao động phải nghỉ việc để điều trị. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, chính xác để người lao động hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau. Nhiều người lao động băn khoăn không biết có được giải quyết chế độ hay không, liên tục hối thúc công ty hướng dẫn, giải quyết.
>>>Hải Phòng: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu
>>>Hải Phòng: Dừng vĩnh viễn xưởng sản xuất bột cá tại Đồ Sơn
Còn theo đại diện Công ty xây dựng Vũ Gia, để giải quyết các chế độ người lao động thì việc lập các biểu mẫu, khai báo thông tin gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện doanh nghiệp này, nguyên nhân một phần do hệ thống hoạt động chưa ổn định, các quy định liên tục thay đổi, doanh nghiệp chưa cập nhật kịp thời nên dẫn đến sai sót, nhầm lẫn. Phía doanh nghiệp cũng mong cơ quan BHXH tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tìm cách gỡ nút thắt
Sau 2 năm gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, để gỡ nút thắt trong việc giải quyết những vướng mắc về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, từ đầu năm 2022 đến nay, TP Hải Phòng đã chú trọng đối thoại với các doanh nghiệp, người lao động.
Theo đại diện BHXH Hải Phòng, thông qua hoạt động đối thoại, cơ quan BHXH tập trung vào những doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng hoặc đóng BHXH không đầy đủ với người lao động để tuyên truyền và đôn đốc các doanh nghiệp tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho người lao động.
Tính đến hết tháng 3/2022, toàn TP Hải Phòng có 468.686 người tham gia BHXH, trong đó 445.186 người tham gia BHXH bắt buộc; 23.500 người tham gia BHXH tự nguyện; 1.866.903 người tham gia BHYT. Hiện địa phương có khoảng 2.500 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN với số lao động gần 14.500 người; hơn 7.200 đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN chưa đầy đủ với hơn 121.000 lao động. Đây cũng là nhóm đối tượng được ưu tiên mời đến tham gia các cuộc đối thoại do BHXH tổ chức.
Theo Bùi Xuân Hải – Phó Giám đốc BHXH TP Hải Phòng, hội nghị đối thoại doanh nghiệp sẽ giúp các đơn vị hiểu rõ hơn tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT qua đó thực hiện tốt nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTN-BNN đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại đơn vị mình. Đây cũng là yếu tố giúp người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cơ quan BHXH luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất và đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động.
Trước đó, tại hội nghị rút kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể trong các doanh nghiệp tại Hải Phòng, ông Đào Trọng Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cho biết, để tránh mâu thuẫn, bức xúc kéo dài dẫn đến ngừng việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng, LĐLĐ TP Hải Phòng đã chỉ đạo các cấp công đoàn chú trọng tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất tại doanh nghiệp, từ đó giải quyết kiến nghị của người lao động kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến người lao động dưới nhiều hình thức, qua đó, giúp người lao động nâng cao hiểu biết, tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ ban ngành, chính quyền địa phương trong ổn định tình hình người lao động...
Có thể bạn quan tâm