Cần có cơ chế phối hợp minh bạch giữa các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hướng đến mục tiêu không còn điểm lõm sóng trong các KCN, KKT.
>>>Hải Phòng: Kiên quyết ngăn chặn xây dựng trên hành lang sông Rế
Đó là chỉ đạo của ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng về việc triển khai Chuyển đổi số và hạ tầng viễn thông trong các KCN, KKT tại Hải Phòng.
Cần cơ chế phối hợp minh bạch…
TP Hải Phòng hiện có hơn 10 KCN, KKT đang hoạt động trên diện tích trên 4.900ha. Các KCN này đóng góp gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố. Do vậy, việc triển khai chuyển đổi số và hạ tầng số ổn định sẽ mang tới nhiều cơ hội bứt phá cho các KCN. Nhiều KCN đã ứng dụng chuyển đổi số để từng bước thay đổi cách làm việc truyền thống, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư thứ cấp.
Theo ông Niels Hubert – Trưởng phòng CNTT và chuyển đổi số, KCN DEEP C cho biết: “DEEP C đã triển khai phần mềm quản lý doanh nghiệp từ đầu năm 2015 để cơ cấu các hoạt động vận hành chủ chốt của công ty. Chúng tôi cũng đã cải cách, nâng cấp phần mềm quản lý doanh nghiệp này để đảm bảo có thể ứng dụng được nhiều hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng áp dụng thêm các dịch vụ kỹ thuật số trong các KCN DEEP C, giúp đẩy mạnh việc ứng dụng các loại phần mềm khác nhau trong công ty. Từ đó, có thể liên kết trên các ứng dụng di động được sử dụng ngay tại công ty và công trường”.
Theo BQL KKT Hải Phòng, hiện nay trong các KCN, KKT, số doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động là 8 doanh nghiệp. Trong đó, 4 KCN sử dụng mạng 3G; 10 KCN sử dụng mạng 4G; 1 KCN sử dụng mạng 5G; 1 KCN sử dụng cáp quang. Có 22 trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) được đặt trong 10 KCN.
Tuy nhiên, theo BQL KKT Hải Phòng, vướng mắc lớn hiện nay đối với việc phát triển hạ tầng viễn thông trong các KCN, KKT là một số nhà mạng chưa có tuyến cáp dự phòng vào trong KCN; hạ tầng trạm viễn thông di động các nhà mạng đang tự phát triển dẫn tới việc bố trí diện tích hạ tầng tiện ích găp nhiều khó khăn; các nhà mạng chưa có sự chia sẻ việc dùng chung hạ tầng sẵn có để có thể tăng chất lượng dịch vụ sóng di động; việc kết nối trong KCN bị phân tán do KCN bị chia cắt làm nhiều khu vực…
>>>Hải Phòng: Tổ hợp TTTM, khách sạn 5 sao “chợ Sắt” chính thức được khởi công
>>>Hải Phòng: Sắp có kho thương mại điện tử khủng
Để tăng chất lượng sử dụng dịch vụ, vận hành cung cấp sóng di động tốt hơn, phía BQL KKT Hải Phòng đề xuất các nhà mạng tăng cường đầu tư, phối hợp nhằm tăng cường cáp phụ dự phòng vào trong KCN; chia sẻ dùng chung hạ tầng có sẵn, chia sẻ thông tin, đăng ký cũng như phối hợp khảo sát và lắp đặt thiết bị phát sóng với đơn vị đầu tư nhà trạm BTS.
Theo ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, trong thời gian tới, cần phải làm rõ những vấn đề tồn tại trong các cơ quan nhà nước hiện nay như: nền tảng, hạ tầng, kho dữ liệu, các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, việc đổi mới áp dụng công nghệ số trong quản lý thông tin, cải cách thủ tục hành chính…
“Trong quá trình đó, các cơ quan đơn vị của TP Hải Phòng cần giải quyết các bài toán về hạ tầng phục vụ các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hấp dẫn được các nhà đầu tư…”, ông Cường cho biết
Còn theo ông Lê Văn Kiên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, hạ tầng viễn thông luôn được coi là hạ tầng thiết yếu. Liên quan đến những vướng mắc, cơ chế đầu tư trong các KCN, KKT, về phía các doanh nghiệp thứ cấp cần khẩn trương hoàn thiện các vấn đề mang tính pháp lý như: đăng ký giá, chia sẻ việc dùng chung trạm BTS, nguyên tắc đầu tư phải trên cơ sở dùng chung…
Để không còn điểm lõm sóng
Giai đoạn 2021- 2025, Hải Phòng phấn đấu thu hút 12,5- 15 tỷ USD. TP Hải Phòng cũng đang xúc tiến, đặt mục tiêu xây dựng 15 KCN với diện tích trên 6.200ha. Để có thể đạt được mục tiêu lớn này, việc ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số trong KKT, KCN sẽ là đòn bẩy để Hải Phòng sẵn sàng đón nhận các làn sóng đầu tư.
Theo ông Hoàng Minh Cường, các cơ quan quản lý TP Hải Phòng cần có cơ chế phối hợp minh bạch, tăng cường tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, quan tâm đến phát triển hạ tầng tại các KCN, KKT. Đối với các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp hạ tầng cần phải nâng cao nhận thức, các doanh nghiệp phải hiệp thương thỏa thuận giá với nhau… đảm bảo chất lượng, hướng đến mục tiêu ko có vùng lõm sóng trong các KCN, KKT. Về phía BQL KKT Hải Phòng, đơn vị cần tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng số trong các KCN, KKT; đẩy mạnh số hoá, ký số và lưu trữ điện tử đối với các hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…
Theo đại diện BQL KKT Hải Phòng, đơn vị đặt ra mục tiêu phấn đấu đến quý 3/2022, các KCN, KKT sẽ không còn điểm lõm sóng. Cùng với đó, để giảm thiểu thời gian, thủ tục hồ sơ giấy tờ, chi phí cho doanh nghiệp, BQL KKT Hải Phòng phấn đấu trong năm 2022, 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp trong các KCN, KKT sử dụng và tương tác với BQL thông qua hệ thống phần mềm quản trị và điều hành điện tử tích hợp; 80% thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 70% thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu sử dụng khai thác của cơ quan, các đơn vị trực thuộc, người lao động và doanh nghiệp trong các KCN…
“Đến năm 2025, phát triển kinh tế số trong các KCN, KKT sẽ đạt tối thiểu 30% GRDP của TP Hải Phòng; tốc độ tăng năng suất lao động trong các KCN bình quân trên 15%/năm; 80% các quyết định điều hành được hỗ trợ bởi các hệ thống phân tích dữ liệu thông minh; 90% văn bản điện tử, hồ sơ điện tử, hồ sơ TTHC được ký số, số hóa và trả cho tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường số…”, đại diện BQL KKT Hải Phòng cho biết.
Trước đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong KKT, KCN, BQL KKT Hải Phòng đã triển khai hệ thống phần mềm quản trị và điều hành điện tử tích hợp (eHEZA). Hệ thống này sẽ giúp cho công tác quản lý và thu hút đầu tư diễn ra nhanh chóng; từ đó gia tăng niềm tin và sự hài lòng cho nhà đầu tư.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết, khi sử dụng hệ thống quản trị và điều hành điện tử, để tổng hợp báo cáo tình hình lao động tại các doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp sẽ chỉ mất khoảng 3 phút để thực hiện nhập dữ liệu. Còn với các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp phép đầu tư, với hệ thống này, các doanh nghiệp chỉ cần tra cứu toàn bộ hồ sơ có sẵn đã số hoá và nộp bổ sung thêm một số giấy từ đăng ký. Thời gian để thực hiện các thủ tục này chỉ mất khoảng 1 ngày thay vì phải mất từ 15-20 ngày để nộp hồ sơ xin cấp phép như trước kia.
Có thể bạn quan tâm