Công an TP Hải Phòng vừa có quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Công ty CP đầu tư XNK Mai Lâm về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hơn 300 tỷ đồng.
Quyết định truy nã nêu rõ, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã thì báo ngay cho Đội 5 Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, trong nhiều tháng Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Công ty CP đầu tư XNK Mai Lâm đã thông qua các hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán gỗ đã chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng từ 14 người. Ngày 31/3, Nguyễn Thị Mai đã bỏ trốn khỏi địa phương khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân góp vốn cùng Công ty Mai Lâm vô cùng hoang mang.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hải Phòng đã phát đi thông báo truy tìm đối tượng Nguyễn Thị Mai và đề nghị những cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến Công ty CP đầu tư XNK Mai Lâm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hải Phòng để cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan. Đến ngày 2/7, Cơ quan CSĐT - Công an thành phố Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, phất lên từ buôn gỗ, nữ giám đốc Công ty Mai Lâm - Nguyễn Thị Mai được nhiều người biết đến với biệt danh “Mai gỗ”. Trong mấy năm trở lại đây, Mai "gỗ" là một trong những người là đầu mối gỗ lớn nhất nhì tại Hải Phòng.
Từ năm 2017, bà Mai đã rủ một số người quen biết hợp tác đầu tư mua gỗ từ Châu Phi về Việt Nam bán với cam kết đem lại lợi nhuận cao. Việc thanh toán cho các nhà đầu tư được thực hiện định kỳ 2 tháng/lần. Tuy nhiên, đến kỳ thanh toán ngày 15/3/2020, các nhà đầu tư không thấy bà Mai trả tiền, liên lạc nhiều lần thì ban đầu còn được hứa hẹn, về sau thì “mất hút”.
Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều vụ lợi dụng “vỏ bọc” là doanh nhân, doanh nghiệp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi để qua mặt những người có nhu cầu góp vốn làm ăn.
Chiêu bài của những vụ lừa đảo này là sòng phẳng khi thanh toán lãi trước. Một số doanh nghiệp có ý đồ, thủ đoạn ngay từ đầu còn sử dụng những chiêu trò tình vi dưới mác doanh nghiệp thành đạt, đại gia với vẻ hào nhoáng bên ngoài. Người ta thường nói, người giàu dễ vay tiền, chỉ cần thấy người ăn mặc lịch sự, đi ô tô xịn, xài toàn hàng hiệu, cách giao tiếp giống doanh nhân thành đạt, “nổ” mình quen quan chức này, quan chức kia… là nhiều người đã tin tưởng hơn trong việc cho mượn tiền và góp vốn làm ăn.
Không những thế, các đối tượng lừa đảo thường trả lãi suất cao trong mấy tháng đầu khi vừa nhận vốn nhằm đánh trúng tâm lý hám lợi để “nhử mồi”. Trong khi đó, nhiều người khi cho vay lại bị lợi nhuận làm mờ mắt, bỏ qua tìm hiểu về người đi vay. Rồi cho vay không theo bất kỳ nguyên tắc nào, không cần biết người vay dùng tiền làm gì. Thậm chí nhắm mắt ký hợp đồng, cho vay mà chẳng hề quan tâm đến khả năng thanh toán, khả năng trả nợ. Chỉ khi sự đã rồi mới cuống cuồng đòi lại tiền trong tình thế chẳng khác nào nắm dao đằng lưỡi.
Có thể bạn quan tâm
Truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa
22:49, 13/07/2020
Con trai ông Trần Bắc Hà bị truy nã quốc tế
20:28, 24/03/2020
Hà Tĩnh: Nguyên giám đốc khách sạn đầu thú sau hơn 1 tháng trốn truy nã
13:34, 07/03/2019
11.700 tội phạm truy nã đang "nhởn nhơ" ngoài vòng pháp luật
17:05, 30/10/2018