Hải Phòng: Xây dựng khu công nghiệp sinh thái, hướng đi tất yếu

HẢI NGÂN 16/05/2021 01:05

Xây dựng các KCN sinh thái tại Hải Phòng đang được coi là bài toán chiến lược để nâng cao thu hút đầu tư và hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững.

Trên thế giới, nhiều quốc gia ở châu Âu, Á đã bắt tay xây dựng KCN sinh thái từ những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ trước; gần với Việt Nam có Hàn Quốc, Nhật Bản cũng rất thành công với các KCN xanh. Còn tại Việt Nam, theo các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh như hiện nay, hoạt động tại các KCN đã tác động đến môi trường rất lớn, do vậy xu hướng tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển bền vững không còn mang tính khuyến khích mà nó trở thành yêu cầu bắt buộc tại các KCN nếu muốn thu hút đầu tư.

TP Hải Phòng hiện có 12 KCN đang hoạt động

TP Hải Phòng hiện có 12 KCN đang hoạt động

TP Hải Phòng hiện có 12 KCN, tuy nhiên, số KCN tại Hải Phòng chuyển hướng sang KCN sinh thái còn khá ít. Bước tiến đầu tiên phải kể đến là việc đưa 200m đường giao thông sử dụng nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam (trong tổng số 1.400m đường giao thông) vào sử dụng tại KCN Deep C Hải Phòng hồi tháng 10/2019.

Theo các kỹ sư thuộc công ty TNHH DOW khi đó, việc sử dụng nhựa tái chế làm thành phần cấp phối bê tông nhựa asphalt thay cho việc phải dùng một diện tích đất lớn để chôn lấp nhựa nilon và mất hàng trăm năm mới có thể tiêu huỷ chúng đã giải quyết được bài toán về ô nhiễm môi trường.

Cũng vào thời điểm đó, Deep C đã triển khai cộng sinh công nghiệp về nước thải. Cụ thể, nước thải của doanh nghiệp sau khi xử lý tập trung tại nhà máy trong KCN khi đạt tiêu chuẩn cột B sẽ được tái sử dụng để tưới cây, làm mát thiết bị và cứu hoả… Điều này đã giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và giảm chi phí cho các nhà đầu tư.

Cùng với Deep C, KCN Nam Cầu Kiền cũng chuyển hướng theo mô hình KCN sinh thái. Ra đời muộn hơn so với KCN Deep C nhưng đến nay, giai đoạn 1 của KCN, rộng 103 ha đã được lấp đầy 100% với 60 doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động ổn định. Hàng loạt các công trình tiện ích theo đúng tiêu chí KCN sinh thái được xây dựng như: hồ điều hoà, phòng thí nghiệm, quán cà phê, sân khấu ngoài trời… Toàn bộ lượng nước thải, bụi, khí thải, chất thải của các nhà máy trong KCN được đo đếm bằng công tơ điện tử, hệ thống camera quay quét hình ảnh, hệ thống quan trắc tự động và được giám sát 24/24 giờ...

Công nhân KCN Nam Cầu Kiền đang chăm sóc khu vực trồng cây xanh của KCN

Công nhân KCN Nam Cầu Kiền đang làm việc tại khu vực trồng cây xanh trong KCN

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Minh – Phó TGĐ Cty CP Shinec, Chủ đầu tư dự án KCN Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng cho biết, tại KCN sinh thái, cộng đồng các doanh nhân, chủ đầu tư trong KCN có chung quan điểm trong đầu tư, một cách nhìn trong bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả bền vững của môi trường đầu tư lâu dài. Bên cạnh đó, tại đây các cán bộ quản lý cũng có môi trường chung để sinh hoạt và chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. Ngoài ra, việc giám sát môi trường trong KCN cũng đã tạo ra tính khách quan chung. Việc giám sát này không chỉ có từ đơn vị chủ quản đầu tư hạ tầng KCN mà còn từ các nhà máy với nhau, cộng đồng người lao động và người dân địa phương; như vậy, đã tạo ra được một hành lang minh bạch.

Thực tế, để đầu tư xây dựng dự án KCN sinh thái cần có cái nhìn chính xác phạm trù khai thác kinh tế môi trường. Bởi đầu tư xây dựng KCN sinh thái cần rất nhiều thời gian, kinh phí và sự đồng sức, chung tay của cả chủ đầu tư lẫn doanh nghiệp hoạt động trong KCN. Trong các KCN phải xây dựng được mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong KCN, giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư xung quanh KCN.

Theo đại diện KCN Deep C, so với các KCN truyền thống thì phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái sẽ có chi phí đầu tư tốn kém hơn. Nhưng trong dài hạn, mô hình KCN sinh thái sẽ mang lại giá trị cao hơn và phát triển bền vững.

Có lẽ, giá trị mà các chủ đầu tư KCN tại Hải Phòng nhìn thấy khi đầu tư KCN sinh thái chính là sự gia tăng về số lượng các nhà đầu tư đến với Hải Phòng; là mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc mà TP Hải Phòng đạt được trong những năm qua. Bởi tính đến hiện tại, các KKT, KCN trên địa bàn TP Hải Phòng đã thu hút được 567 dự án trong và ngoài nước. Trong đó, 400 dự án FDI và 167 dự án đầu tư trong nước đến từ các nhà đầu tư đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, chỉ tính trong quý I/2021, TP Hải Phòng lọt tốp đầu các địa phương về thu hút vốn đầu tư với hơn 1 tỷ USD vốn FDI, gấp hơn bốn lần so với cùng kỳ.

Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết, các dự án trong KCN, KKT có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng. Do vậy, BQL KKT Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện tốt vai trò đầu mối, trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước tại các KCN, KKT; đánh giá tác động môi trường... Bên cạnh đó, BQL KKT Hải Phòng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thực hiện thu hút đầu tư chọn lọc; chú trọng thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Giai đoạn 2020-2025, TP Hải Phòng dự kiến xây mới 15 KCN. Và để có thể phát triển bền vững, lâu dài, thì các KCN cần sự “lột xác” từ KCN truyền thống với cải tạo đất cho thuê và phát triển hạ tầng sang mô hình KCN sinh thái. Đây là bài toán khó song hy vọng sẽ sớm có lời giải trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Công khai thông tin quy hoạch cắt cơn sốt đất

    Hải Phòng: Công khai thông tin quy hoạch cắt cơn sốt đất

    06:00, 14/05/2021

  • Cấp bách lời giảip/cho giao thông tĩnh Hải Phòng

    Cấp bách lời giải cho giao thông tĩnh Hải Phòng

    16:49, 13/05/2021

  • Hải Phòng: Hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế

    Hải Phòng: Hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế

    14:15, 13/05/2021

  • Hải Phòng: Vượt sóng lớn chuyển mình vươn xa

    Hải Phòng: Vượt sóng lớn chuyển mình vươn xa

    01:06, 13/05/2021

  • Hải Phòng: Thêm dự án 2 bến cảng container số 3, 4

    Hải Phòng: Thêm dự án 2 bến cảng container số 3, 4

    13:46, 12/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Xây dựng khu công nghiệp sinh thái, hướng đi tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO