Tại Vĩnh Phúc, Hàn Quốc xếp vị trí thứ nhất cả về số dự án và số vốn đăng ký đầu tư, các dự án đều tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông nhấn mạnh tại cuộc tiếp và làm việc với ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ngày 8/8.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, những năm gần đây Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa.
“Tại Vĩnh Phúc, Hàn Quốc xếp vị trí thứ nhất cả về số dự án và số vốn đăng ký đầu tư, các dự án đều tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, bao gồm sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, dệt may, sản xuất điện tử, chất bán dẫn… và đã có những đóng góp rất to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Vĩnh Phúc”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế-xã hội, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cho biết Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô, có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
“Nhiều năm trở lại đây, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Trung ương”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông chia sẻ.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển 27 khu công nghiệp, hiện có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được đẩy mạnh, triển khai quyết liệt, hiệu quả và đi vào thực chất.
Với định hướng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp là ưu tiên thu hút các dự án vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử, chất bán dẫn, ô tô, xe máy... thời gian qua Vĩnh Phúc luôn quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nói chung, các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng tìm hiểu, triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh.
Trao đổi tại cuộc làm việc, ông Hong Sun hy vọng sẽ có thêm nhiều buổi gặp gỡ, xúc tiến đầu tư với các lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc. Thông qua cuộc làm việc này, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối, trao đổi và làm cầu nối để thúc đẩy hợp tác đầu tư tại Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Chia sẻ tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tục quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu, đầu tư dự án trong thời gian tới, và cho biết ngoài xúc tiến đầu tư các dự án lớn, tỉnh sẽ tiếp tục chăm lo, xúc tiến hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ, tạo sức hút thêm các nhà đầu tư mới.
Đối với các đề xuất của doanh nghiệp về bảo đảm nguồn cung điện ổn định cho sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cam kết Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, phương án cấp điện phù hợp, bảo đảm phục vụ sản xuất công nghiệp hiệu quả.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6/2024 Hàn Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 83 tỷ USD, và đứng thứ hai trong năm 2023 với số vốn đầu tư mới là hơn 2,3 tỷ USD.
Tại Vĩnh Phúc, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 238 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn hơn 3 tỷ USD, xếp thứ nhất về số vốn đăng ký đầu tư trong danh sách 20 vùng/lãnh thổ có dự án đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc rất chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và xác định Hàn Quốc là thị trường trọng điểm đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Hiện tại, có nhiều tập đoàn lớn của các quốc gia đã đầu tư tại Vĩnh Phúc như Patron Vina, Heasung Vina, Bangjoo, Cammsys, YoungPoong... Các dự án của Hàn Quốc đầu tư tại Vĩnh Phúc thuộc các lĩnh vực dệt may, sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất điện, điện tử, dịch vụ thương mại.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử và dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng điện tử.
Một số dự án Hàn Quốc tiêu biểu tại Vĩnh Phúc, như Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Partron Vina với tổng vốn đầu tư đăng ký là 269,4 triệu USD, mục tiêu chính là sản xuất linh kiện điện tử.
Dự án thành lập Công ty TNHH YPE Vina của tập đoàn Young Poong với tổng vốn đầu tư đăng ký là 200 triệu USD, mục tiêu chính là sản xuất linh kiện điện tử. Dự án nhà máy sản xuất Interflex và Korea Circuit Vina của Công ty Korea Circuit với tổng vốn đăng ký đầu tư là 161,5 triệu USD, mục tiêu chính là sản xuất linh kiện điện tử.
Trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp để tạo ra tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ nhanh, tăng nguồn thu ngân sách, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, phát triển các ngành dịch vụ.
Xác định quy hoạch phải đi trước một bước để đảm bảo phát triển bền vững, Vĩnh Phúc đã lập quy hoạch chiến lược phát triển đô thị làm công cụ quan trọng trong quản lý và tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; tiến hành quy hoạch đồng bộ từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch ngành, lĩnh vực...
Vĩnh Phúc đã quy hoạch 20 KCN có diện tích gần 6.000 ha và 32 CCN diện tích trên 600ha. Vĩnh Phúc cũng luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư vào tỉnh. Ngoài ra, môi trường kinh doanh của Vĩnh Phúc còn được đánh giá cao nhờ tính minh bạch, lành mạnh và công bằng.
Một trong những điểm nổi bật của tỉnh là trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào Vĩnh Phúc.