Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật cho phép các nhà phát triển có thể hướng người dùng thanh toán qua các nền tảng thay thế, chứ không chỉ phụ thuộc vào nền tảng Google và Apple.
Dự luật tiên phong
Dự luật này được quốc hội Hàn Quốc thông qua khiến quốc gia này trở thành nước đầu tiên áp đặt các hạn chế đối với chính sách thanh toán độc quyền của Google và Apple. Trước đây những gã khổng lồ công nghệ này buộc các nhà phát triển chỉ được sử dụng hệ thống thanh toán độc quyền của họ. Đạo luật sẽ trở thành luật sau khi Tổng thống Moon Jae-in ký phê chuẩn.
Các chính sách của Apple và Google thường yêu cầu các nhà phát triển phải trả cho những gã khổng lồ công nghệ một khoản hoa hồng cao tới 30% cho mỗi giao dịch.
Dự luật, được thông qua ngày 31/8, cho phép các nhà phát triển sẽ có thể tránh phải trả hoa hồng cho các nhà khai thác cửa hàng ứng dụng lớn - như Google và Apple - bằng cách hướng người dùng thanh toán qua các nền tảng thay thế.
Phản hồi về dự luật này, người phát ngôn của Apple cho biết, dự luật sẽ “khiến người dùng tăng nguy cơ bị lừa đảo, phá hoại các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của họ, gây khó khăn cho việc quản lý mua hàng của Apple”.
Họ nói thêm rằng dự luật sẽ làm lung lay sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với việc thanh toán trên App Store.
Trong khi đó, người phát ngôn của Google cho biết, phí dịch vụ của họ “giúp giữ cho Android miễn phí, cung cấp cho các nhà phát triển các công cụ và nền tảng toàn cầu để tiếp cận hàng tỷ người tiêu dùng trên khắp thế giới”.
“Chúng tôi sẽ suy nghĩ về cách tuân thủ luật này trong khi vẫn duy trì một mô hình hỗ trợ hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng chất lượng cao”, người phát ngôn của Google nói thêm.
Theo Yonhap News, Dự luật này còn được gọi là Luật chống Google, đã được trình lên quốc hội vào tháng 8 năm ngoái. Dự luật được đưa ra để ngăn các “ông lớn” công nghệ độc quyền về thanh toán đối với các nhà phát triển ứng dụng và trì hoãn việc xem xét hoặc chặn ứng dụng “một cách không thích hợp”, theo Reuters.
Luật cũng cho phép chính phủ Hàn Quốc có quyền hòa giải các tranh chấp liên quan đến thanh toán, hủy và hoàn lại tiền trong kho ứng dụng, theo báo cáo. Khoảng 180 nhà lập pháp tham dự đã bỏ phiếu ủng hộ việc thông qua sửa đổi được thực hiện đối với Đạo luật Kinh doanh Viễn thông, Reuters đưa tin.
Epic Games, công ty đứng sau trò chơi Fortnite nổi tiếng, đã xây dựng hệ thống thanh toán trong trò chơi của riêng mình vào năm ngoái như một phần trong nỗ lực tuân thủ các chính sách hiện tại của Apple và Google. Trong những năm gần đây, một số công ty khác bao gồm Spotify và chủ sở hữu Tinder, đã nói rằng những gã khổng lồ công nghệ nên để họ sử dụng hệ thống thanh toán của riêng mình.
“Hành động lịch sử ngày hôm nay và sự lãnh đạo táo bạo của các nhà lập pháp Hàn Quốc đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc chiến vì một hệ sinh thái ứng dụng công bằng”, người phát ngôn của ứng dụng hẹn hò Match cho biết trong một tuyên bố hôm 31/8.
“Chúng tôi mong muốn dự luật nhanh chóng được ký thành luật và kêu gọi các cơ quan lập pháp trên toàn cầu thực hiện các biện pháp tương tự để bảo vệ công dân và doanh nghiệp của họ khỏi những người gác cổng độc quyền đang hạn chế internet,” họ nói thêm.
Theo Daniel Ives, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại Wedbush Securities, các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang tập trung nhiều hơn vào các cửa hàng ứng dụng và các khoản phí mà Google và Apple đang thu của các nhà phát triển. Với dự luật mới ở Hàn Quốc có thể sẽ là bước đầu tiên hướng tới sự giám sát chặt chẽ hơn.
Trả lời CNBC, Daniel Ives cho rằng, “Luật mới mang nhiều ý nghĩa, trong đó nó sẽ tạo nên những gợn sóng thúc đẩy các quốc gia vào cuộc, nó cho thấy quan điểm không chỉ cần lời nói mà còn cần những hành động thực sự”.
Ives nói thêm rằng mặc dù có thể có cơ hội kiếm tiền cho những người khác, chẳng hạn như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng điều đó cuối cùng phụ thuộc vào cách người tiêu dùng phản ứng.
“Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng cuối cùng sẽ làm gì? Bởi vì con đường dễ dàng nhất vẫn là thanh toán qua Apple và Google, đây là những hình thức mà người dùng đã quá quen thuộc”, ông nói.
Google và Apple đang nhượng bộ?
Năm ngoái, Google cho biết họ đang có kế hoạch thực thi chính sách yêu cầu các nhà phát triển phân phối phần mềm trên Cửa hàng Google Play phải sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng độc quyền của mình. Điều đó có nghĩa là các lựa chọn thay thế thanh toán khác sẽ không được phép.
Hệ thống thanh toán của Google lấy 30% hoa hồng đối với hầu hết các giao dịch mua hàng trong ứng dụng, tương tự như những gì Apple làm trên App Store của mình.
Động thái này đã bị chỉ trích bởi các nhà phát triển và cơ quan quản lý đã xem xét kỹ lưỡng việc Google và Apple nắm giữ các hệ điều hành điện thoại thông minh và mức giá mà họ tính cho các lập trình viên phát triển ứng dụng cho các nền tảng đó. Phần lớn điện thoại thông minh trên thế giới chạy trên hệ điều hành Android của Google hoặc trên nền tảng iOS của Apple.
Kể từ đó, cả hai công ty đều cho biết họ sẽ cắt giảm tỷ lệ hoa hồng cho một số nhà phát triển nhất định.
Trong trường hợp của Apple, công ty cho biết họ sẽ giảm một nửa phí từ 30% xuống 15% cho các nhà phát triển phần mềm có doanh thu ròng hàng năm dưới 1 triệu USD trên App Store. Vào tháng 3, Google cho biết họ sẽ cắt giảm phí Cửa hàng Google Play từ 30% xuống còn 15% cho 1 triệu USD đầu tiên mà một nhà phát triển kiếm được trên nền tảng này mỗi năm.
Tuần trước, nhà sản xuất iPhone cũng đã đảo ngược hướng đi đối với một chính sách quan trọng khác của App Store: Họ cho biết các nhà phát triển trên App Store sẽ được phép gửi email cho người dùng và khuyến khích họ thanh toán trực tiếp, thay vì thông qua Apple, một động thái trước đây đã bị cấm. Tuy nhiên, nếu người dùng tiếp tục thanh toán qua App Store, các nhà phát triển sẽ phải sử dụng hệ thống thanh toán của Apple và trả hoa hồng.
Có thể bạn quan tâm
00:13, 29/08/2021
14:15, 19/07/2021
11:29, 02/06/2021