Biết là hàng giả, nhiều người tiêu dùng vẫn mua vì tâm lý thích xài "hàng hiệu giá bình dân"...
Chi cục quản lý thị trường TP HCM chỉ rõ trên địa bàn quận Thủ Đức tình trạng các hoạt động mua bán hàng giả diễn ra phức tạp nhiều nhất là trên các tuyến đường Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi, Đường số 12, đường số 38, thuộc các phường Bình Thọ, Linh Chiểu, Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức.
Có thể bạn quan tâm
11:16, 19/06/2018
05:16, 19/06/2018
01:01, 30/03/2018
09:51, 02/02/2018
Tại những điểm đen của thị trường này, đa số các mặt hàng mà nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh nhắm tới để kiếm lợi bất chính từ việc bán hàng giả là quần áo, giày dép, ba lô, túi xách giả mạo đóng mác, nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Chanel…
Các lần ra quân, lực lượng cơ quan chức năng đã kiểm tra, hầu hết đều không trình xuất được giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Các trường hợp vi phạm đều xử lý rốt ráo theo quy đinh. Tuy nhiên nhiều tổ chức, cá nhân đã bị xử lý nhưng sau đó vẫn tiếp tục tái phạm.
Ông Nguyễn Văn Bách – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM cho biết từ đầu năm 2018, chi cục QLTT thành phố đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả như ban hành các kế hoạch như tăng cường công tác quản lý trên địa bàn, kiểm soát thị trường chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ, nguồn gốc. Ông Bách cũng khẳng định “trong thời gian sắp tới, sẽ xử lý nghiêm và nặng đối với những cơ sở vi phạm nhiều lần để hạn chế việc hàng giả tràn vào thành phố”.
Khó khắc phục vì người tiêu dùng tiếp tay
Thực tế cho thấy chính là vì lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả lớn hơn nhiều so với mức chế tài nên việc xử lý vẫn chưa đủ sức để răn đe, ngăn ngừa tình trạng buôn bán hàng giả. Và mặc dù rất nhiều người bày tỏ quan điểm phải quyết liệt trong việc loại bỏ hàng giả và ngăn chặn hàng giả tuồn vào thị trường ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, nhưng chính người tiêu dùng đôi khi...chưa nghĩ vậy.
Về mặt kiến thức phân biệt các mặt hàng thật giả, nhiều người tiêu dùng không khó để nhận được sự khác biệt của hàng giả với các sản phẩm chính hãng. Nhưng giá của sản phẩm chính hãng thì không phải ai cũng mua được doc vì khá đắt đỏ so với thu nhập của họ, trong khi hàng giả lại chỉ bằng ¼ giá trị so với hàng thật nên việc sử dụng hàng giả là...chọn lựa tự nguyện.
"Quần áo là mặt hàng làm giả, nhái hàng hiệu được tiêu thụ trên thị trường nhiều nhất. Đối tượng tiêu dùng chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên với xu thế thời trang luôn thay đổi thích xài những đồ mang nhãn hiệu nổi tiếng. Việc chấp nhận sử dụng những mặt hàng giả, chất lượng kém cũng là một điều kiện thuận lợi, tiếp tay cho các đối tượng mua bán hàng giả có địa bàn, có thị trường hoạt động", đại diện cơ quan quản lý cho biết.
Cũng theo vị này, một khi còn người mua thì sẽ còn người bán. Ciệc chống mua bán hàng giả thực tế đã được chú trọng tuyên truyền nhưng vẫn rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng. Làm thế nào để bên cạnh sự quản lý can thiệp của lực lượng chức năng thì việc tẩy chay hàng giả, không chấp nhận sử dung hàng giả trở thành một tiêu chí sống? Đó đồng thời cũng là bài toán đầy thách thức trong công tác chống buôn lậu gian lận thương mại, loại trừ hàng giả tuồn vào thị trường mà hiện đang tràn lan một cách công khai.