Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong Quý 1 đầu năm đã có hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản giải thể, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm đến 63,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
>>TP.HCM: Hàng trăm dự án nhà ở được cấp sổ hồng
Doanh nghiệp bất động sản vẫn khó khăn
Theo thống kê mới được công bố, các doanh nghiệp giải thể đạt mức tăng 30,2% (341 doanh nghiệp) và các doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng đến 60,7% (1.816 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Xây dựng đánh giá việc thị trường bất động sản ảm đạm khiến niềm tin của các nhà đầu tư chưa được phục hồi, ảnh hưởng đến các phân khúc trong thị trường có xu hướng giảm suốt 3 tháng đầu năm (ngoại trừ mức giá thuê tại các khu công nghiệp). Đặc biệt, khó khăn lớn nhất đối với các chủ đầu tư là tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, trái phiếu và huy động vốn cho nên các doanh nghiệp thiếu vốn và phải giãn tiến độ thi công.
Dựa trên nghiên cứu khác của BIDV, tính đến cuối tháng 10 năm trước, số lượng đầu tư bất động sản từ ngân hàng là 71,3% và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,9%. Có thể thấy, sự biến động của thị trường đều dựa vào nguồn tín dụng ngân hàng thương mại cũng như chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, chi phí giá vốn cũng như tỷ giá, giá xăng dầu và vật liệu xây dựng tăng khiến chi phí các doanh nghiệp tăng theo. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tinh giản bộ máy, cắt giảm lao động cùng với việc dừng triển khai thi công dự án và không phát hành cổ phiếu tăng vốn, trong đó một số doanh nghiệp đã giảm 30 – 50% nguồn lực lượng lao động.
Bộ Xây dựng cho rằng: "Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn".
Các biện pháp “giải cứu” thị trường
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đề xuất, các quy định cần rõ ràng hơn trong việc phân chia các phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn và tài chính phù hợp. Hướng dẫn thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt như: quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT), cơ quan tái tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản về lâu dài, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch bất động sản…
>>Masterise Homes “tự gỡ rối” bằng chiến lược tạo ra giá trị gia tăng bền vững
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2023, dự nợ tín dụng của hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 859.394 tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, NHNN đã có chỉ đạo về việc hạ lãi suất cho vay, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất điều hành hai lần trong riêng tháng vừa rồi và định hướng các tổ chức tín dụng cho việc giảm lãi suất huy động cũng như vay vốn.
Tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NĐ-CP nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý và lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo đúng quy định pháp luật để gia tăng nguồn cung.
Đồng thời, theo các chuyên gia với tình hình hiện nay, cần tiếp tục mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, phải ở mức phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng cùng các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của ngân hàng nhà nước.
Cùng với đó, cần tập trung đối tượng khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Ưu tiên cho vay dự án bất động sản sắp hoàn thành, dự án phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, lao động ở khu công nghiệp, đối tượng chính sách khác với lãi suất phù hợp.
Ngoài ra, cần ban hành tiêu chí cho vay đối với các loại hình khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào dự án nhà ở cao cấp. Đồng thời, chủ động trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, việc cấp tín dụng vượt giới hạn cho phép với các dự án trọng điểm quốc gia, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm