Hãng xe Trung Quốc BYD tiếp tục bị người tiêu dùng Thái Lan khiếu nại vì gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng trạm sạc.
Trang Bangkok Post đưa tin, một nhóm chủ sở hữu ô tô BYD tại Thái Lan, đã nộp đơn khiếu nại lên Chính phủ vào ngày 3/10 vừa qua, cho rằng chiến dịch tiếp thị của hãng xe Trung Quốc cấu thành hành vi bán hàng không công bằng.
Các chủ xe BYD nói rằng, họ đang gặp khó khăn khi tiếp cận mạng lưới trạm sạc. Trong khi đó, Rever Automotive (nhà phân phối BYD tại Thái Lan) đã từng công bố, họ có thể sử dụng trạm sạc miễn phí trong một năm. Các chủ xe BYD cho biết hiện không có đủ trạm sạc cho xe, không những thế, các trạm sạc lại không hoạt động đủ 24 giờ/ngày và thường có hàng dài người xếp hàng chờ đợi.
Nhóm chủ xe này tố cáo BYD đã lạm dụng chương trình EV 3.0 của Chính phủ Thái Lan, có nhiều ưu đãi và giảm thuế dành cho người tiêu dùng, để bán ô tô điện, nhưng không đáp ứng đủ về hạ tầng.
Trước đó, nhiều khách hàng tại Thái Lan đã bày tỏ sự giận dữ và viết thư gửi tới BYD vì gặp trải nghiệm tồi tệ với dịch vụ sau bán hàng. Trong thư khách hàng Thái Lan cho biết họ phải mất tới 2-3 ngày, để đặt được lịch hẹn với trung tâm bảo hành của hãng này và tỏ thái độ thất vọng với trải nghiệm dịch vụ của BYD.
Trong một nghiên cứu năm 2023 về chiến lược tại các thị trường nước ngoài của BYD, nhóm tác giả nghiên cứu tới từ các trường đại học Mỹ chỉ ra, một trong những lý do khiến giá xe điện của BYD thấp, là do hãng này đã giảm khoản chi cho dịch vụ hậu mãi. Hậu quả là dịch vụ hậu mãi của BYD nhìn chung kém chuyên nghiệp hơn so với các hãng xe khác.
Thị trường Thái Lan vốn được coi là cửa ngõ quan trọng để BYD tiến vào khu vực Đông Nam Á. BYD đang chiếm tới 46% thị phần ô tô điện tại Thái Lan, đây là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng xe Trung Quốc này.
Tuy nhiên, thời gian qua BYD luôn gây ra thất vọng cho khách hàng Thái Lan. Đầu tiên là chiếc lược “giảm giá không phanh”, nhiều mẫu xe giảm giá hàng trăm ngàn bath chỉ sau 1 thời gian ngắn ra mắt. Điều này khiến những người mua xe ban đầu thấy mình bị lừa và làm cho những chiếc xe của họ bị mất giá trị thảm hại. Người tiêu dùng đã khiếu nại và Chính phủ Thái Lan phải vào cuộc điều tra bán phá giá. Tiếp đến giờ đây là những thất vọng về dịch vụ hậu mãi và hạ tầng sạc của BYD.
Đấy là chưa kể đến những lo lắng về khả năng công nghệ trang bị trên xe hơi của BYD nói riêng và ô tô Trung Quốc nói chung, có thể thu thập thông tin người dùng, bắt đầu xuất hiện tại Thái Lan. Vấn đề này đã được Mỹ và Australia cảnh báo, cho rằng “những máy tính di chuyển dữ liệu trên bánh xe” có thể được sử dụng để giám sát từ xa.
Theo giới chuyên môn, những vấn đề người tiêu dùng Thái Lan đang gặp phải với BYD, cũng có thể xảy ra với người tiêu dùng Việt Nam.
Ra mắt thị trường Việt Nam vào giữa năm 2024, với một loạt mẫu xe điện nhưng BYD cho biết chỉ tập trung vào bán hàng, không phát triển hạ tầng trạm sạc. Khách hàng mua xe BYD giai đoạn đầu có thể sạc tại nhà, tại trạm sạc nhanh ở đại lý và của bên thứ 3. Theo quan điểm của BYD, trạm sạc là mảng kinh doanh rất riêng, đây là cơ hội cho bên thứ 3. Nếu thị trường đón nhận tốt xe điện thì hạ tầng tự khắc sẽ phát triển theo.
Tuy nhiên hạ tầng sạc điện là bài toán cần giải quyết tốt thì ô tô điện mới có thể phát triển. BYD chờ đợi bên thứ 3 phát triển hạ tầng sạc tại Việt Nam thì chẳng biết đến bao giờ mới phổ biến. Tại Việt Nam việc phát triển trạm sạc còn rất hạn chế. Với bên thứ 3, việc đầu tư không hề dễ dàng, từ huy động nguồn vốn đến xin cấp phép, rồi giá điện cao và tâm lý e ngại cháy nổ của dân cư… là những rào cản lớn nên tiến triển rất chậm.