Hành lang pháp lý cho xây dựng đô thị thông minh

BÙI QUANG HƯNG 06/03/2021 05:00

Để xây dựng thành công các thành phố thông minh thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý là một trong những yếu tố then chốt.

Trên tinh thần đó, trong những năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực để xây dựng Hành lang pháp lý cho xây dựng đô thị phố thông minh ở Việt Nam.

Bức tranh tổng quát được miêu tả trong bảng dưới đây:

Nhắc đến đô thị thông minh ở Việt Nam, chúng ta thường nghĩ ngay đến QĐ 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 về việc Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên chủ đề này được quan tâm ngay từ cuối năm 2016. Câu chuyện bắt đầu từ ngày 11/11/2016 trong văn bản số 3963/BTTTT-KHCN của Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị về xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam.

Điểm lưu ý ở đây là ngay từ ngày đầu tiên thì Bộ TTTT đã dùng thuật ngữ “đô thị thông minh bền vững”, thuật ngữ gốc tiếng Anh là Smart Sustainable Cities. Tuy nhiên trong các văn bản về sau thì thường sử dụng thuật ngữ “đô thị thông minh”, thuật ngữ tiếng Anh là Smart Cities.

Đây không phải là ngoại lệ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng sử dụng 2 thuật ngữ “đô thị thông minh bền vững” và “đô thị thông minh” với nội hàm giống nhau.

Trong văn bản trả lời số 10384/VPCP-KGVX ngày 01/12/2016, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng rằng đô thị thông minh  là khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Một năm sau đó, ngày 11/1/2018, Bộ TTTT có công văn số 58/BTTT-KHCN hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam.

Công văn cũng đưa ra Kiến trúc ICT tham chiếu cho đô thị thông minh. Kiến trúc này gồm 4 tầng: tầng cảm biến, tầng mạng, tầng dữ liệu và hỗ trợ ứng dụng, và tầng ứng dụng.

7 tháng sau đó là sự ra đời của Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 trong Quyết định số 950/QĐ-TTg, thường được gọi là Đề án 950.

Mục tiêu tổng quát của đề án là Phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, dự kiến đến năm 2050, khoảng 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống tại các đô thị. Nguồn: internet

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, dự kiến đến năm 2050, khoảng 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống tại các đô thị. Nguồn: internet

Đề án 950 được chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị;

Giai đoạn đến năm 2025: Thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm; triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, công bố các tiêu chuẩn quốc gia ưu tiên phục vụ cho việc triển khai xây dựng thí điểm các đô thị thông minh;

Định hướng đến năm 2030: Hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa. Giai đoạn này cũng sẽ tổng kết các cơ chế, chính sách thí điểm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai áp dụng trên diện rộng.

Đề án 950 cũng đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, trong đó Nhóm nhiệm vụ, giải pháp số 1 tập trung vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho đô thị thông minh.

Nhóm này tâp trung rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh bền vững nhằm hình thành thể chế, hành lang pháp lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành đô thị thông minh.

Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

Thứ nhất, nghiên cứu, xây dựng các chỉ số chính đánh giá về hiệu quả hoạt động (KPI) cho đô thị thông minh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và các đặc thù của Việt Nam;

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh và thiết lập cơ chế tự đánh giá mức độ phát triển đô thị thông minh theo các chỉ số chính đánh giá về hiệu quả hoạt động KPI;

Thứ ba, hướng dẫn ứng dụng ICT trong quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất xây dựng đô thị, quản lý cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, cây xanh, không gian ngầm,...;

Thứ tư, nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn và thiết lập cơ chế tài chính, cơ chế giám sát, phân giao các trách nhiệm quản lý, thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Hai văn bản tiếp theo của Bộ TTTT nhằm hiện thực hóa Nhóm nhiệm vụ, giải pháp số 1 đã nêu ở trên. QĐ 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0). Văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 ban hành Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0).

Để hướng dẫn các địa phương và bộ ngành triển khai thí điểm, Bộ TTTT đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn bao gồm: Công văn số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019 hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh; Công văn số 328/THH-DVCNTT ngày 27/3/2020 hướng dẫn thí điểm mô hình Trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm, mô hình kết nối các Trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung đa nhiệm; Công văn số 587/THH-DVCNTT ngày 15/5/2020 hướng dẫn các yêu cầu chức năng của hệ thống trong triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh; Công văn số 1325/THH-DVCNTT  ngày 18/9/2020 Hướng dẫn đánh giá kết quả triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.

Những khó khăn trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án 950. Giai đoạn 1 của đề án đã kết thúc và thu được những kết quả khả quan ban đầu. Bộ TTTT đã và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho xây dựng đô thị thông minh.

Trong các bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ cập nhật những thông tin về Giai đoạn 2 của Đề án 950 và các chủ đề cụ thể hơn về hành lang pháp lý, khung tham chiếu kỹ thuật...

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng đô thị thông minh kiểu mẫu

    16:30, 27/11/2020

  • Đô thị thông minh cần nền tảng thể chế

    09:40, 24/10/2020

  • Xây dựng đô thị thông minh và trách nhiệm của doanh nghiệp

    05:20, 24/10/2020

  • Xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho phát triển đô thị thông minh

    15:18, 22/10/2020

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển đô thị thông minh để nâng cao tính cạnh tranh quốc gia

    14:39, 22/10/2020

  • Đột phá thể chế cho phát triển đô thị thông minh

    07:16, 21/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hành lang pháp lý cho xây dựng đô thị thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO