Trước thời điểm 1986, nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân chưa được thừa nhận, ngược lại còn muốn “nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh...
Đổi mới quản lý nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua.
Trước tiên phải biết rằng, việc phát triển nền kinh nhiều thành phần, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân, bắt đầu được thể hiện qua việc tham gia đóng góp vào đổi mới tư duy của Đảng và được đánh giá là một trong những thành tựu về đổi mới kinh tế bắt đầu từ năm 1986.
Trước thời điểm đó, nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam chưa được thừa nhận, ngược lại còn muốn “nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh...". Trong nhận thức cũng như hành động, chúng ta chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài, chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.
Do vậy, với tinh thần “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa,…”, để chuẩn bị cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI, các ban tham mưu cho Đảng về phát triển kinh tế như Ban Kinh tế Trung ương (hợp nhất từ Ban Phân phối - Lưu thông Trung ương và Ban Kinh tế - Kế hoạch Trung ương), Ban Công nghiệp Trung ương (hợp nhất với Ban Kinh tế Trung ương từ năm 1989), Ban Nông nghiệp Trung ương (hợp nhất với Ban Kinh tế Trung ương từ năm 1991) đã được phân công tham gia chuẩn bị cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI.
"Có thể nói, chúng ta đã bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đại hội VI của Đảng khẳng định, cả nước tồn tại bốn thành phần kinh tế: kinh tế xã hội chủ nghĩa (quốc doanh, tập thể, gia đình); kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế tư bản tư nhân", TS Nguyễn Hồng Sơn, Chánh Văn phòng Hội đồng Lý luận TW cho biết.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội, Đảng ta đề ra: “Đối với kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, Nhà nước thừa nhận sự cần thiết của bộ phận kinh tế này trong thời kỳ quá độ, hướng dẫn và giúp đỡ nó sản xuất, kinh doanh, liên kết với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể… Nhà nước cho phép những nhà tư sản nhỏ sử dụng vốn, kiến thức kỹ thuật và quản lý của họ để tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, nghề thuộc khu vực sản xuất và dịch vụ ở những nơi cần thiết trong cả nước.
Như vậy, quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh tế tư bản tư nhân được quy định tùy theo ngành nghề và mặt hàng…Thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa và kinh tế tư bản tư nhân… Cần sửa đổi, bổ sung và công bố chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế. Những quy định có tính nguyên tắc phải trở thành pháp luật để mọi người yên tâm, mạnh dạn kinh doanh. Xóa bỏ những thành kiến thiên lệch trong sự đánh giá và đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI đã nhận định “phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là một chủ trương chiến lược lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá về chính sách nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần được đưa ra tại Đại hội VI, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân, Đảng ta khẳng định “Chính sách này được nhân dân hưởng ứng rộng rãi và đã đi nhanh vào cuộc sống. Chính sách ấy đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân về kinh tế; khơi dậy được nhiều tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân để phát triển sản xuất, dịch vụ, tạo thêm việc làm và sản phẩm cho xã hội; thúc đẩy sự hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hoá, tạo ra sự cạnh tranh sống động trên thị trường".
Trong đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại Đại hội IX, Đảng ta nhấn mạnh việc thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, với sáu thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Với kinh tế tư bản tư nhân, quan điểm của Đảng là: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Xây dựng quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động".
Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế… Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước".
"Việc Đảng ta thông qua Nghị quyết 14-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 5 khóa IX ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo động lực mới, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao năng suất lao động, góp phần đưa kinh tế - xã hội đất nước phát triển lên tầm cao mới”, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chánh Văn phòng Hội đồng Lý luận TW nhấn mạnh.
Đến nay, năm 2020, kinh tế tư nhân ở nước ta đã phát triển, trở thành lực lượng quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững. Khu vực kinh tế tư nhân với hơn 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh; riêng hoạt động của các hộ kinh doanh đã bảo đảm cuộc sống cho khoảng 20 triệu người dân. Có được kết quả đó, vai trò quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương là không thể thiếu được trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng kịp thời có chủ trương, đường lối đổi mới các cơ chế, chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Kỳ 2: Phân định rõ vai trò nhà nước
Có thể bạn quan tâm
06:20, 08/03/2021
19:57, 06/03/2021
16:36, 06/03/2021
01:00, 06/03/2021