Bỏ học giữa chừng vì chứng khó đọc, nhưng bằng vào khả năng chấp nhận rủi ro và học hỏi từ những sai lầm của mình, Richard Branson trở thành một biểu tượng của tinh thần kinh doanh hiện đại.
>>>Tỷ phú Richard Branson: Đừng làm việc để sống, mà hãy sống để tận hưởng công việc!
Richard Branson, một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất thế giới, sinh năm 1950 tại Surrey, Anh. Với chứng ADHD (rối loạn tăng động) và chứng khó đọc từ nhỏ khiến cho việc học ở trường luôn là một cuộc đấu tranh gian nan với Branson và điều đó cũng đã tác động trực tiếp đến con đường học vấn của ông. Năm 16 tuổi, Branson quyết định bỏ học nội trú và thành lập “Student”, một tạp chí dành cho giới trẻ khi đó.
Đáng ngạc nhiên, Student đã bán được 8.000 USD tiền quảng cáo và 50.000 ấn bản tạp chí. Dù không lớn, nhưng đây là khởi đầu cho hành trình khởi nghiệp của Branson và là hạt giống cho sự phát triển của một đế chế trị giá hàng tỷ đô la sau này. Mặc dù, cuối cùng tạp chí cũng bắt đầu thua lỗ và thất bại theo thời gian. Tuy nhiên, nó lại đưa Branson tới nỗ lực tiếp theo của ông.
Năm 1970, ở tuổi 20, Richard Branson thành lập Virgin Records, một công ty thu âm. Bản phát hành đầu tiên của công ty là “Tubular Bells” của Mike Oldfield. Bài hát này đứng đầu các bảng xếp hạng ở Anh và là bước khởi đầu để Virgin Records trở thành một hãng thu âm thành công.
Năm 1984, ở đỉnh điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Richard Branson quyết định thành lập Virgin Atlantic Airways. Đây là một dự án mạo hiểm cực kỳ rủi ro vì chưa có ai từng độc lập quyết định thành lập một hãng hàng không, đặc biệt là hãng sẽ cạnh tranh với British Airways, gã khổng lồ hàng không không chỉ của Anh. Tuy nhiên, quyết định “được ăn cả, ngã về không” của Branson đã được đền đáp, Virgin Atlantic Airways đã thành công rực rỡ và hiện là một trong những hãng hàng không lớn nhất trên thế giới.
Thành công với không ít các quyết định quan trọng trong đời, nhưng Richard Branson cũng đối mặt với vô vàn những thất bại “sấp mặt”. Đầu những năm 1990, doanh số bán hàng của ngành công nghiệp âm nhạc ngày càng sụt giảm và Virgin Records phải vật lộn để duy trì hoạt động khi gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính và buộc họ phải bán bộ phận âm nhạc của mình.
Đây là khoảng thời gian khó khăn đối với Richard Branson và ông đã từng nói rằng trải nghiệm việc bán bộ phận âm nhạc của mình “giống như bán đi những đứa con”, bất chấp sự cần thiết của thương vụ. Tuy vậy, cuối cùng mọi thứ cũng ổn với Branson.
Những năm 1990 là thời kỳ mở rộng mạnh mẽ của Richard Branson. Ông mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác, bao gồm Virgin Mobile (viễn thông), Virgin Trains (tầu cao tốc) và Virgin Galactic (du lịch vũ trụ). Có thể kể ra một số dự án đầy tham vọng của ông bao gồm tuyến tàu cao tốc ở Anh cùng kế hoạch trị giá 25 triệu USD nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu và du lịch vũ trụ.
Tuyến tàu cao tốc Hyperloop của ông được hình thành vào năm 2012, nhằm mục đích tạo ra một hình thức vận chuyển nhanh mới thoải mái và dễ tiếp cận trên toàn thế giới. Trong khi đó, dự án Virgin Galactic đã được phát triển trong hơn một thập kỷ và Richard Branson quyết tâm cung cấp du lịch vũ trụ cho đại chúng.
Tuy vậy, trong thời điểm này cũng có không ít những dự án thất bại, đáng chú ý nhất là Virgin Cosmetics, Virgin Brides và Virgin Cola. Ngoài ra, các siêu thị Virgin và tàu Virgin cũng đóng cửa vào đầu những năm 2000 ở hầu hết các thị trường. Dẫu vậy, cho đến những năm 2000, Virgin đã trở thành thương hiệu toàn cầu với hơn 200 công ty tại hơn 30 quốc gia.
>>>Richard Branson và cuộc chiến không gian
>>>Tỷ phú Richard Branson: Khởi nghiệp cũng giống như làm cha
Thực tế thì tài năng lớn nhất của Branson là việc nhận ra những cơ hội mới và hết sức theo đuổi chúng, đồng thời quan tâm đến việc phát triển nguồn vốn của Virgin Group. Sau này, các nhà phân tích nhận định rằng, khía cạnh truyền cảm hứng nhất của Richard Branson là thái độ không bao giờ bỏ cuộc. Ngay cả khi phải đối mặt với nhiều thất bại trong suốt sự nghiệp của mình, nhưng ông luôn tìm ra cách để đứng dậy và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Việc có thể chấp nhận thất bại và thích nghi là một phần tự nhiên của quá trình của Branson và ông sử dụng những kinh nghiệm này làm bài học cho những nỗ lực trong tương lai. “Mỗi câu chuyện thành công đều là một câu chuyện về sự thích nghi, sửa đổi và thay đổi không ngừng”, Richard Branson từng chia sẻ với truyền thông.
Theo ông, người làm kinh doanh cần phải tin vào trực giác của mình, chấp nhận rủi ro và học hỏi từ những sai lầm của mình. Đối với Branson, một trong những bài học quan trọng nhất là luôn trung thực với chính mình. Ông cũng tin tưởng vào việc tuyển dụng những người thông minh hơn mình và trao quyền cho họ đưa ra quyết định.
Trong hành trình đầy thú vị của mình, Richard Branson là người truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ doanh nhân sau này. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông là: “Làm tới đi! Nếu bạn muốn lái máy bay, hãy tới sân bay xin một chân pha trà. Nếu bạn muốn làm nhà thiết kế thời trang thì xin vào làm chân quét dọn ở công ty thời trang. Hãy mở mắt thật to mà học việc”.
Câu chuyện của Richard Branson là một ví dụ hoàn hảo về việc đón nhận sự thay đổi, chấp nhận thất bại để nỗ lực vươn lên, tìm kiếm thành công. Nếu ai đã từng nghi ngờ khả năng làm những điều phi thường hoặc vĩ đại của mình, hãy nhớ rằng Richard Branson đã tạo ra một hãng thu âm, công ty hàng không, đi tiên phong trong lĩnh vực du lịch vũ trụ và trở thành tỷ phú trong khi phải sống chung với chứng ADHD và chứng khó đọc.
Có thể bạn quan tâm
Những câu hỏi thú vị trong tuyển dụng của Elon Musk, Richard Branson và những người nổi tiếng
13:06, 07/10/2019
Tỷ phú Richard Branson chia sẻ bài học thành công đến từ sự đơn giản
06:08, 04/03/2019
Tỷ phú Richard Branson: May mắn không tự nhiên xuất hiện
04:26, 22/10/2018
Richard Branson khởi nghiệp thành công chỉ với 500 bảng Anh
04:28, 10/09/2018
Richard Branson chia sẻ cách tìm vốn đầu tư cho các startup
04:06, 02/07/2018