Hàng giả vượt qua mọi lớp kiểm soát, từ thị trường đến thương mại điện tử. Khi hậu kiểm trở nên hình thức, thị trường sẽ còn tiếp tục bị thao túng…
Từ chợ truyền thống đến kho hàng ngoại ô, từ cửa hiệu mặt phố đến các sàn thương mại điện tử, hàng giả đang lặng lẽ chiếm lĩnh thị trường. Mỗi sản phẩm lọt qua hệ thống kiểm tra là một lần người tiêu dùng trở thành nạn nhân.
Càng nghiêm trọng hơn khi cơ chế hậu kiểm, vốn là hàng rào cuối cùng lại đang bị vô hiệu hóa bởi những lỗ hổng cả về thể chế lẫn thực thi.
Không chỉ riêng TP HCM, hàng giả hiện diện tại mọi đô thị lớn, từ các trung tâm mua sắm sang trọng đến chợ dân sinh, các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm nhái thương hiệu quốc tế vẫn ngang nhiên bày bán. Những biển hiệu “xách tay châu Âu”, “giá sốc” dường như đã trở thành vỏ bọc quen thuộc cho những món hàng trôi nổi.
Nhưng không chỉ dừng ở áo quần, đồng hồ. Hàng giả giờ đây đội lốt thực phẩm chức năng, thiết bị y tế trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tại Hà Nội, cơ quan chức năng vừa phát hiện hơn 100 tấn nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm chức năng và dụng cụ y tế giả. Bao bì in tiếng Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha; nhãn phụ được in thủ công; toàn bộ dây chuyền vận hành bởi cá nhân không hề có chuyên môn y dược.
Sản phẩm sau đó được phân phối tới hàng chục tỉnh, thậm chí lọt vào các hiệu thuốc, phòng khám, những nơi vốn phải được kiểm soát chặt chẽ. Điều này cho thấy, không chỉ hậu kiểm bị vô hiệu hóa, mà cả cơ chế sàng lọc đầu vào cũng gần như tê liệt. Và một khi cả “đầu vào” lẫn “tuyến cuối” đều bị xuyên thủng, thị trường không còn khả năng tự vệ.
Chưa dừng lại, sự bất lực còn thể hiện rõ trong cách các cơ sở vi phạm “hồi sinh” dễ dàng. Sau khi bị phạt, rút giấy phép, nhiều đơn vị chỉ cần thay tên pháp nhân, đổi địa điểm là lại hoạt động như cũ. Không một cơ chế cảnh báo, truy vết, hay giám sát liên ngành nào có thể ngăn chặn hiệu quả chuỗi vi phạm có tổ chức này.
Trong khi hàng giả tinh vi hóa từng ngày, cơ chế hậu kiểm dường như vẫn đứng yên. Nhiều địa phương triển khai các chương trình truy xuất nguồn gốc như “Tick xanh trách nhiệm” nhưng mới chỉ dừng ở thí điểm, tự nguyện, thiếu ràng buộc. Không có chế tài bắt buộc, việc truy xuất chỉ như “trang trí thông tin”, không đủ sức răn đe với những doanh nghiệp cố tình vi phạm.
Ở cấp quản lý, sự chia cắt thông tin giữa các ngành khiến hậu kiểm càng thêm rối rắm. Cơ quan công thương kiểm tra lưu thông, y tế kiểm tra chất lượng, công an phụ trách hình sự, thuế giám sát hóa đơn nhưng không ai chịu trách nhiệm chính nếu một sản phẩm giả lọt qua hệ thống. Và như một hệ quả tất yếu: không ai chịu trách nhiệm thì cũng không ai bị truy cứu.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts nhận định: “Việc xử lý hàng giả không thể chỉ dừng ở xử phạt hành chính. Hậu kiểm hiện nay đang bị hiểu sai thành kiểm tra sau vi phạm, thay vì là một công cụ giám sát rủi ro chủ động. Nếu không gắn hậu kiểm với trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu doanh nghiệp và cơ quan quản lý, thì chúng ta chỉ đang đuổi hình bắt bóng”.
Theo bà Nhung, muốn hậu kiểm có hiệu lực, phải tái thiết lại từ gốc, cần truy trách nhiệm tới cán bộ quản lý khi để xảy ra vi phạm kéo dài; xây dựng hệ thống dữ liệu vi phạm liên ngành, có khả năng cảnh báo sớm; quy định chế tài bắt buộc với những doanh nghiệp không thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Chỉ khi hậu kiểm được đặt đúng vai trò, không phải “vá lỗi” mà là “ngăn từ đầu” thì niềm tin thị trường mới có cơ sở để khôi phục.
Niềm tin thị trường không thể xây trên lớp kiểm soát hình thức. Hàng giả sẽ còn lộng hành chừng nào hậu kiểm chưa thoát khỏi tư duy đối phó. Khi không ai chịu trách nhiệm, khi dữ liệu không được chia sẻ, khi người tiêu dùng bị để lại phía sau thì chính môi trường kinh doanh, chứ không chỉ người tiêu dùng, sẽ là bên gánh chịu lâu dài. Đã đến lúc phải siết lại toàn bộ hệ thống hậu kiểm, cả về pháp lý lẫn thực thi như một cam kết không thể trì hoãn trong bảo vệ thị trường lành mạnh.